Mới đây, trên mạng xã hội facebook xuất hiện bài viết có tiêu đề "Vì sao khu bảo tồn biển Hòn Mun xác xơ?" của tài khoản có tên N.S. phản ánh tình trạng hệ sinh thái tại Khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang bị tàn phá nghiêm trọng. Bài viết được đăng tải đã thu hút rất nhiều lượt xem và chia sẻ.
Người viết nói: tan hoang, không còn những đàn cá, rạn san hô
Cụ thể, theo bài viết trên, sau một thời gian dài do ảnh hưởng của dịch Covid-19, TP.Nha Trang "đóng biển" với du khách, nhờ đó hệ sinh thái dưới biển được phục hồi một phần.
"Tuy nhiên, hơn một năm rưỡi, mình quay lại lặn ở Hòn Mun kể từ tháng 10.2020, những tưởng phải nhìn thấy biển hồi sinh và đẹp, phong phú hơn trước dịch nhiều lần. Nhưng không! Dưới đáy biển giờ tan hoang, không còn những đàn cá, không còn nhiều san hô, hải quỳ và tất nhiên không còn nhiều sinh vật biển. Đến những chú cá hề bình thường làm tổ ở những bụi hải quỳ khắp nơi thì 3 ngày lặn chỉ ở 3 bãi Madonna rock, Mama Hạnh và Moray beach trước mặt Hòn Mun, tìm đỏ mắt không ra. Đáy biển đen ngòm, xơ xác", tài khoản N.S. viết.
Hình ảnh cho thấy dưới đáy biển không còn rạn san hô hay loài sinh vật biển nào |
K.M. |
Tài khoản N.S. còn đặt câu hỏi Ban quản lý khu bảo tồn biển Hòn Mun làm gì để giờ biển xơ xác đến vậy? Thậm chí, theo N.S., không phải tự nhiên dân đi tàu ở Nha Trang có những lời đồn đại về chuyện "bán bãi" cho tàu cá vào khu bảo tồn đánh bắt từ rất lâu.
"Có những lời đồn đại về chuyện đánh bắt tuyệt diệt kiểu như lặn xuống bơm xyanua vào hang cá, hang tôm để chúng nổi lờ đờ rồi vớt hết. Địa điểm hang tôm ở Moray Beach bình thường có hàng ngàn con tôm sọc thì giờ không còn một con nào. Mà không chỉ là đồn đại vì những tấm ảnh được tàu du lịch mới chụp gần đây cho thấy những chiếc tàu cá thả lưới đánh bắt quanh Hòn Mun. Và lạ kỳ là chúng diễn ra ngay trước mũi tàu tuần tra của ban quản lý. Không hiểu vài tháng nữa, du khách nước ngoài quay lại Nha Trang nhiều, họ bỏ tiền ra đi tour biển, đi snorkerling, đi lặn biển họ sẽ thấy gì? Nghĩ gì? Sẽ nói gì về biển Nha Trang ?", tài khoản N.S. viết.
Chiếc tàu đánh bắt hải sản trong khu bảo tồn Hòn Mun |
K.M |
Theo anh K.M., hướng dẫn viên lặn biển tại vịnh Nha Trang, cho rằng bài viết của tài khoản N.S. là hoàn toàn chính xác. "Mình có 20 năm làm nghề hướng dẫn lặn biển, mấy năm trước khu bảo tồn Hòn Mun rất đẹp mà giờ tan nát hết. San hô thì chết hàng loạt, nhiều người cho chất độc xyanua vào bắt tôm, bắt cá không con nào sống sót nổi. Mình lặn mình biết rõ tình hình", anh K.M. nói.
Ban quản lý Vịnh Nha Trang nói gì?
Liên quan đến bài viết trên, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng BQL vịnh Nha Trang, cho biết sau cơn bão số 9 (năm 2021) vừa qua thì tất cả rạn san hô ở vịnh Nha Trang kể cả Phú Quốc và một số nơi khác đều bị ảnh hưởng rất lớn. "Hình ảnh từ bài viết là lấy của người trong BQL nhưng cách tiếp cận của họ không có tích cực. Đối với BQL, luôn luôn khuyến khích các trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm trong khu bảo tồn, nếu phát hiện báo cho BQL để làm chứng cứ, truy vết và xử lý", ông Thái nói.
Nhiều rạn san hô tại khu bảo tồn Hòn Mun đã chết |
K.M. |
Theo ông Thái, sau khi xuất hiện hình ảnh tàu cá khai thác trong khu bảo tồn, BQL đã lập tức phối hợp với các lực lượng ra lập biên bản và xử lý phương tiện. "Đây là một trường hợp rất hiếm xảy ra, khi tiến hành xử phạt thì chủ tàu giải trình là do ham cá quá vì họ đánh lưới nổi nếu đánh vào khu vực san hô thì chắc chắn lưới đó sẽ hư và một tấm lưới đó vài trăm triệu đồng chứ không ít. Nên trường hợp đánh lưới kiểu này gần như không có", ông Thái giải thích.
Mới đây, BQL vịnh Nha Trang đã có báo cáo gửi UBND TP.Nha Trang. Theo đó, BQL khẳng định nhận định của tài khoản N.S. là phiến diện, dễ gây hiểu lầm vì sự suy thái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó các yếu tố như: tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài dịch hại là các yếu tố ảnh hưởng rất nặng đến sức khỏe hệ sinh thái. Tuy nhiên, các yếu tố trên lại mang tính khách quan, toàn cầu, rất khó kiểm soát, điều chỉnh. Cụ thể, theo các nhà khoa học của Viện Hải Dương học Nha Trang có nhiều nguyên nhân gây suy giảm độ phủ và diện tích rạn san hô vịnh Nha Trang, phần lớn do thiên tai.
Đáy biển tan hoang |
K.M. |
Đối với nhận định tại Khu Bảo tồn biển Hòn Mun có hành vi “bán bãi, đánh bắt tuyệt diệt”, BQL vịnh Nha Trang khẳng định luôn cương quyết xử lý triệt để tất cả các hành vi không được phép thực hiện trong Khu bảo tồn biển; tuyệt đối không có chủ trương bao che, nể nang; bất cứ cá nhân, tập thể nào khi sai phạm đều phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)