Trao đổi với Thanh Niên hôm nay, 8.10, đại diện Bộ GTVT cho biết, dự thảo luật Giao thông đường bộ quy định 3 loại hình kinh doanh vận tải hành khách gồm: xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt. Trong đó, xe buýt chia làm 2 loại là xe buýt nội đô và xe buýt liên tỉnh.
“Tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, song xét về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe buýt nội đô sẽ là loại xe ô tô khách thành phố theo QCVN 2015, chứ không phải thay đổi tên xe buýt sang xe khách thành phố. Luật Giao thông đường bộ trước đây không quy định cụ thể loại hình phương tiện với xe buýt, song với dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi chỉ nói rõ hơn về quy định phương tiện loại hình vận tải là xe buýt”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.
Cụ thể, trong Quy chuẩn 6211:2003 về phương tiện giao thông đường bộ do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành năm 2003, ô tô khách thành phố (urban bus) được định nghĩa là loại hình “được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô; loại ô tô này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc đỗ xe thường xuyên”.
Tại QCVN 10:2015/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố, cũng quy định “xe ô tô khách thành phố (urban bus) là xe ô tô khách được thiết kế và trang bị để dung trong thành phố và ngoại ô, loại xe ô tô này có bố trí các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách, cho phép khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.
Trước đó, tại hội thảo góp ý của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm 30.9, nhiều ý kiến cho rằng cần giữ nguyên tên xe buýt thay vì có tên mới "xe khách thành phố" theo như dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Lý do, thuật ngữ này khá lạ lẫm với người dân, không gần gũi với thực tiễn.
Hiện TP.HCM cũng nghiên cứu xe buýt nhỏ để phù hợp với hạ tầng giao thông TP.CHM nhưng lại không được do không có quy định. Sở GTVT TP.HCM cũng đã gửi văn bản cho Bộ GTVT về việc góp ý các vấn đề đang vướng mắc.
Bình luận (0)