(TNO) Ổn định lượng đường trong máu phụ thuộc vào các loại thực phẩm mà bạn ăn, vì vậy với người bị tiểu đường, việc lựa chọn thực phẩm là vô cùng quan trọng, theo Msn.
Ăn nhiều thịt bò có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 - Ảnh: Shutterstock
|
Để có thể sống chung với bệnh tiểu đường, bạn nên tránh xa các loại thực phẩm sau:
Đồ nướng
Đồ nướng thường chứa chất béo trans, đã được chứng minh làm tăng nguy cơ bệnh tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bệnh tiểu đường thường nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc bệnh tim.
Thịt bò
Thịt bò đã qua chế biến, xúc xích, thịt xông khói chứa hàm lượng natri cao. Một số nghiên cứu phát hiện ăn nhóm thực phẩm này có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Đồ uống có đường
Các loại đồ uống như nước ngọt, đồ uống năng lượng có hàm carbohydrate nhiều nên nhanh chóng thẩm thấu vào mạch máu, từ đó làm tăng mức đường huyết. Ngoài ra, nước giải khát và đồ uống năng lượng còn chứa lượng calo nhiều hơn là các dinh dưỡng, nên chắc chắn không tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.
Ăn nhiều cơm trắng có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường - Ảnh: Shutterstock
|
Bánh mì và gạo trắng
Gạo trắng có rất ít chất xơ, và một nghiên cứu từ Đại học Y Harvard (Mỹ) cho biết ăn cơm trắng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Thay vì gạo trắng, gạo lứt là thay thế tuyệt vời, bởi nó chứa nhiều chất xơ và có thể giữ lượng đường trong máu ổn định.
Tăng cường các loại thực phẩm “tốt”
Ngũ cốc
Đây là nguồn chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm cholesterol. Không chỉ vậy, ngũ cốc cũng chứa nhiều carbohydrate chịu trách nhiệm ổn định đường huyết ở những bệnh nhân tiểu đường.
Đậu
Những người bị tiểu đường có gấp 2-4 lần nguy cơ bị bệnh tim và đậu đã được chứng minh có tác dụng bảo vệ hệ thống tim mạch rất tốt. Các loại đậu cung cấp nguồn chất xơ hòa tan có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol. Ngoài ra, đậu cũng là một carbohydrate phức tạp, lại chứa nhiều chất xơ nên có khả năng làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu.
Đậu chứa nhiều chất xơ có thể làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu - Ảnh: Shutterstock
|
Cà phê
Bất chấp những tranh cãi, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra cà phê làm giảm nguy cơ bệnh tiểu đường loại 2. Lý do, cà phê chứa polyphenol, một chất có đặc tính chống oxy hóa. Thêm nữa, cà phê cũng chứa magiê, và lượng magiê này được liên kết với tác dụng hạ thấp nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Sôcôla đen
Một trong số những lợi ích của sôcôla đen là bảo vệ sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, sôcôla còn chứa các flavanol giúp tăng độ nhạy với insulin. Điều này thật sự quan trọng đối với việc kiểm soát glucose trong máu.
sôcôla chứa các flavanol giúp tăng độ nhạy với insulin - Ảnh: Shutterstock
|
Các loại hạt
Hướng dương, hạnh nhân, hạt dẻ, bí đỏ… có lợi ích kép cho cả bệnh tim và bệnh tiểu đường. Các loại hạt chứa hàm lượng carbohydrate thấp và chứa chất béo không bão hòa - một loại chất béo có lợi cho tim. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người bị tiểu đường có thói quen thường xuyên ăn các loại hạt có thể giúp duy trì đường huyết ổn định.
Bột yến mạch
Bột yến mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt có chứa chất xơ và không có chất béo, rất thích hợp cho những người tiểu đường. Ăn bột yến mạch làm chậm sự hấp thu carbohydrate, cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết, và do có nhiều chất xơ nên bột yến mạch cũng được chứng minh giúp giảm mức độ cholesterol.
Bình luận (0)