Kích hoạt "tối hậu thư"
Cuối tuần qua, mạng di động Vinaphone chính thức khóa 2 chiều đối với các thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin. Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), trước thời điểm kích hoạt "tối hậu thư", tổng số thuê bao tiến hành đăng ký chuẩn hóa muộn sau khi bị khóa chiều gọi đi là 473.000, chiếm 28,3% trong tổng số 1,67 triệu thuê bao đã bị khóa 1 chiều. Có thể thấy vẫn còn khá nhiều khách hàng dù đã được thông báo tiến hành chuẩn hóa nhiều lần nhưng vẫn "trễ chuyến" và phải tiến hành bổ sung sau khi bị rút "thẻ vàng".
Anh Nguyễn Văn Nhã, ngụ H.Kế Sách (Sóc Trăng) phân trần: "Tôi làm nghề tài xế, thường xuyên phải đi khắp nơi nên nghe thông tin khóa SIM thuê bao di động nhưng không rõ chi tiết như thế nào. Khoảng 2 tuần trước, thuê bao của tôi bị chặn chiều gọi đi, tôi phải liên hệ tổng đài để được hướng dẫn mở lại. Mặc dù mất thời gian và có chút phiền phức nhưng giờ yên tâm vì SIM của tôi đã được đăng ký chính chủ". Những trường hợp như anh Nhã rất nhiều, nhận thông báo nhưng cứ "để đó", chỉ đến khi SIM không sử dụng được mới vội vã đi đăng ký thông tin chính chủ.
Theo các nhà mạng, hiện vẫn còn khoảng 1,2 triệu thuê bao đã bị khóa một chiều vì chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Trong đó, Viettel Telecom còn khoảng 290.000 thuê bao đang bị khóa một chiều do có thông tin chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhà mạng Vinaphone còn khoảng hơn 400.000 thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân theo quy định. Số còn lại thuộc về MobiFone và một số nhà mạng khác.
Đúng theo kế hoạch, từ ngày 15.4, đại diện nhà mạng Vinaphone cho biết đã chính thức khóa liên lạc hai chiều với những thuê bao chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin theo yêu cầu. Sau 30 ngày kể từ khi bị khóa 2 chiều, nếu vẫn không thực hiện chuẩn hóa thông tin, thuê bao sẽ bị nhà mạng thu hồi số theo quy định. Viettel cũng áp dụng biện pháp tương tự sau khi nhiều lần thông báo đến khách hàng. Một số nhà mạng khác chưa thấy công bố biện pháp xử lý.
Cơ hội nào cho SIM chưa chuẩn hóa ?
Theo Vinaphone, hiện nay có nhiều trường hợp khách hàng cao tuổi, chủ thuê bao ở xa, hoặc trước đây đứng tên không chính chủ nên việc đăng ký chậm trễ. Sau thời điểm bị khóa thuê bao 2 chiều, khách hàng sẽ không thể tự thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao qua website/app My VNPT. Tuy nhiên, Vinaphone vẫn tiếp tục hỗ trợ mở khóa thuê bao cho các khách hàng có nhu cầu tại các điểm giao dịch trên cả nước. Để được hỗ trợ mở khóa thuê bao, xác minh thông tin, khách hàng cần mang theo các giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu… khi đến thực hiện giao dịch.
Đại diện Viettel cũng hướng dẫn: "Khi bị nhà mạng khóa 2 chiều, chủ thuê bao sẽ không thể nhận cuộc gọi đến, gọi điện, nhắn tin cho một thuê bao khác hay truy cập internet thông qua các gói cước data. Điều này cũng có nghĩa mọi kết nối liên lạc của thuê bao đều bị nhà mạng cắt đứt. Người dùng di động chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị thu hồi về kho số. Đây là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của người dùng di động".
Ghi nhận của PV Thanh Niên trong ngày 16.4 cho thấy mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần nhưng vẫn có khá nhiều người đến các cửa hàng dịch vụ của nhà mạng để nhờ hỗ trợ cập nhật thông tin. Tại cửa hàng Viettel trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), chị N.T.N, chủ số thuê bao 0368.990.xxx, cho biết: "Tôi bận việc và sơ ý quên mất việc cập nhật thông tin nên bị khóa SIM. Rất may là nhân viên hỗ trợ nhanh chóng, số điện thoại của tôi được mở lại ngay".
Cảnh giác lừa đảo nở rộ
Theo phản ánh từ các nhà mạng, càng gần đến thời điểm khóa 2 chiều với các thuê bao không chuẩn hóa thông tin thì hình thức lừa đảo liên quan đến vấn đề này càng tăng mạnh. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng phần mềm chuyên dụng như một dạng voice bot kết nối với modem có khả năng cắm nhiều SIM, từ đó thực hiện các cuộc gọi tự động đến máy của người dùng.
Với cách này, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện được nhiều cuộc gọi hơn và không mất chi phí thuê người gọi điện. Khi người dùng nghe máy, chúng sẽ phát các đoạn thoại đã thu âm từ trước, dọa khóa thuê bao người dùng và yêu cầu cung cấp thông tin để chuẩn hóa, qua đó đánh cắp thông tin.
Những thông tin này sẽ được các đối tượng thu thập để bán hoặc sử dụng xây dựng các kịch bản lừa đảo tiếp theo để chiếm đoạt tiền. Các nhà mạng khuyến cáo người dùng nên chủ động kiểm tra thông tin đã chuẩn hóa hay chưa thông qua các công cụ, hướng dẫn từ nhà mạng. Tuyệt đối không làm theo các yêu cầu khi nghe cuộc gọi từ số điện thoại lạ.
Trả lời Thanh Niên, đại diện Vinaphone chia sẻ: "Việc thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, sử dụng SIM thuê bao chính chủ vừa là quyền lợi cũng là nghĩa vụ của khách hàng, người dân, nhằm đẩy lùi nạn SIM rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, đồng thời giúp ngăn chặn những rủi ro pháp lý đối với người dùng trong quá trình sử dụng. Vinaphone đã liên tục khuyến cáo các khách hàng chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao cần sớm đến các điểm giao dịch để thực hiện bổ sung, cập nhật trước thời điểm bị thu hồi về kho số vào ngày 15.5 theo quy định. Trước đó, các điểm giao dịch của Vinaphone đã tăng cường hoạt động, hỗ trợ khách hàng đến 21 giờ hằng ngày đến tận ngày 15.5, thời điểm SIM chưa chuẩn hóa thông tin chính thức bị thu hồi về kho số của nhà mạng".
Bộ TT-TT nhận xét đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc và đông đảo người dân, giới truyền thông hưởng ứng, ủng hộ. Sự chung tay của người dân sẽ góp phần giúp cơ quan chức năng dẹp bỏ nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vốn nhức nhối và gây nhiều hệ lụy xã hội thời gian qua. Tình trạng khóa 2 chiều chỉ được gỡ bỏ khi chủ thuê bao thực hiện việc cập nhật thông tin trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là hành động quyết liệt được Cục Viễn thông và các nhà mạng đưa ra để đảm bảo tất cả các thuê bao đều có thông tin đúng quy định.
Bình luận (0)