Thuế cố tình làm khó doanh nghiệp?

27/05/2023 06:00 GMT+7

Hồ sơ hoàn vốn đáp ứng mọi yêu cầu của pháp luật nhưng hàng ngàn tỉ đồng tiền hoàn thuế đang bị treo cả năm, có khi đến 2 năm trời... khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản oan ức.

Trần ai hoàn thuế vốn là chuyện "biết rồi, khổ lắm nói mãi". Dù hồ sơ hoàn toàn hợp lệ thì để lấy lại số tiền thuế GTGT đã ứng trước với các doanh nghiệp (DN) chưa bao giờ dễ dàng. Đáng nói, ở giai đoạn hầu hết các lĩnh vực ngành nghề đều thiếu đơn hàng, đói vốn, gánh nặng lãi vay hiện nay, ngành thuế lại "tái" phục hồi một công văn đã từng gây ách tắc quy trình hoàn thuế cách đây 1 thập niên để làm khó DN.

Còn nhớ năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn 7527 yêu cầu các cục thuế địa phương phải kiểm tra các khâu trung gian, tức là phải kiểm tra F1, F2, F3, F4… Khi áp dụng trên thực tế, yêu cầu này không thể thực hiện được và đã gây rất nhiều khó khăn cho các DN trong việc hoàn thuế. Vì thế, khoảng 4 tháng sau, Bộ Tài chính đã phải ban hành công văn sửa đổi.

Theo đó, thay vì kiểm tra hết các khâu thì chỉ kiểm tra, xác minh đối với người bán hàng trực tiếp cho công ty xuất khẩu và thời gian kiểm tra, xác minh được thực hiện trong phạm vi 40 ngày. Nhờ việc sửa sai nhanh chóng, những ách tắc trong hoàn thuế GTGT thời điểm đó đã được giải quyết. Những tưởng thế là xong thì đến cuối năm 2022, Tổng cục Thuế lại "tái phục hồi" chuyện cũ bằng Văn bản 633 chỉ đạo các cục thuế, chi cục thuế tỉnh, thành phải tập trung đối chiếu xác minh thuế GTGT đầu vào của DN qua các khâu từ F1, F2, F3… cho đến khâu cuối cùng. Tất nhiên, kết quả cũng giống như 10 năm trước: Hàng loạt DN gỗ, cao su, nông sản, dự án đầu tư... khốn khổ vì bị treo hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng tiền thuế, trong khi quy định của luật về hoàn thuế GTGT không hề yêu cầu như vậy.

Tăng cường thanh, kiểm tra để chống thất thu, gian lận thuế là việc cần thiết. Nhưng "lịch sử" quản lý thuế cho thấy, cứ một vài DN ngành nào sai phạm thì ngành thuế lại bắt tất cả các DN ngành đó phải chịu chung hậu quả. Điều này đi ngược với tinh thần cải cách môi trường đầu tư mà Chính phủ đang quyết liệt thực hiện. Đặc biệt, biết siết không đúng luật, không khả thi mà vẫn làm, người ta có quyền đặt câu hỏi, phải chăng ngành thuế cố tình làm khó DN? Và có lẽ cũng cần làm rõ trách nhiệm cũng như có chế tài nghiêm minh với những công văn nội bộ nhưng lại đứng trên luật như thế này.

Còn nếu chúng ta cứ du di, ra văn bản không đúng rồi ra văn bản điều chỉnh, sai thì sửa sẽ không tránh khỏi tình trạng lâu lâu thuế hay các bộ, ngành nào đó lại ban hành một giấy phép con, một văn bản nội ngành nhưng gây thiệt hại và ức chế cho cộng đồng DN. Bên cạnh đó, để sòng phẳng thì chậm hoàn thuế cho DN, cơ quan thuế cũng phải trả lãi. Như DN chậm nộp thuế vẫn đang bị tính lãi từng ngày. Nếu quy định rõ ràng như vậy, chắc chắn việc gây khó gây dễ trong quy trình hoàn thuế cũng sẽ giảm mạnh.

Giảm thuế GTGT, giảm lãi vay, khơi thông các kênh cung cấp vốn cho nền kinh tế... chúng ta đang chắt chiu từng cơ hội, từng giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn lịch sử... Vì thế, những việc đi ngược với tinh thần này cần phải được chấn chỉnh ngay lập tức để tạo sự đồng bộ trong chính sách và tạo niềm tin cho thị trường vào mục tiêu chung của đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.