Thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, ô tô 'nội' có cơ hội giảm giá

30/11/2017 10:33 GMT+7

Chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô về 0% từ 2018 - 2022, kèm điều kiện DN lắp ráp phải đạt sản lượng theo quy định, mở ra cơ hội để ô tô “nội” giảm giá bán cạnh tranh xe nhập khẩu.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Nghị định 125/2017 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.
Ngoài nội dung quy định về cách tính thuế nhập khẩu với các loại ô tô đã qua sử dụng nhập về VN, Nghị định này có thêm điều khoản quy định về thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) lắp ráp ô tô trong nước sẽ được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ở mức 0%, nếu đạt được các điều kiện theo quy định trong từng giai đoạn từ năm 2018 - 2022.
DN lắp ráp phải đáp ứng đủ điều kiện
Cụ thể DN phải cam kết sản xuất, lắp ráp ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 và mức 5 kể từ năm 2022 trở đi. Ngoài ra, các mẫu xe lắp ráp của DN phải đạt được mức sản lượng chung cũng như sản lượng tối thiểu cho một mẫu xe cam kết theo quy định.
Từ năm 2018, ô tô lắp ráp trong nước đáp ứng đủ điều kiện sẽ được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%
Bước đầu, trong giai đoạn 1 của năm 2018 (tính ngày ban hành Nghị định đến hết tháng 6.2018), để được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%, các DN lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.500 cc trở xuống, phải đảm bảo đạt sản lượng chung tối thiểu từ 8.000 xe trở lên. Bên cạnh đó, còn phải có một mẫu ô tô lắp ráp theo cam kết của DN có mức tiêu hao nhiên liệu dưới 7,5 lít/100 km và đạt mức sản lượng tối thiểu từ 3.000 xe trở lên.
Mức sản lượng tối thiểu áp dụng cho xe con dưới 9 chỗ, động cơ 2.5 lít trở xuống trong từng giai đoạn cụ thể theo quy định
Những điều kiện này, trước mắt không phải là rào cản đối với các DN lắp ráp ô tô trong nước có quy mô lớn như Trường Hải (THACO), Hyundai Thành Công hay Toyota. Bởi, ngay cả trong giai đoạn thị trường đầy biến động như 6 tháng đầu năm 2017, doanh số các mẫu xe Toyota ráp trong nước, gồm: Camry, Vios, Corolla Altis và Innova đã đạt tổng sản lượng tiêu thụ 19.585 xe, trong đó riêng Vios đạt 9.688 xe. THACO chỉ với các mẫu xe lắp ráp như Mazda CX-5, Mazda3 và Mazda6 đã đạt sản lượng 10.469 trong 6 tháng đầu năm 2017, riêng CX-5 đạt 3.714 xe. Hyundai Thành Công cũng không khó đáp ứng điều kiện này khi chỉ riêng mẫu Grand i10 đã đạt doanh số trung bình hơn 1.000 xe/tháng.
Để được hưởng chính sách thuế nhập khẩu linh kiện 0%, các DN lắp ráp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định
Tuy nhiên, điều kiện này sẽ khiến các DN có quy mô sản xuất, thị phần nhỏ như Suzuki, Mitsubishi, Nissan… sẽ gặp khó khăn. Bởi, nếu muốn hưởng mức thuế nhập khẩu linh kiện 0% để lắp ráp trong nước, DN phải tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm để đạt được mức sản lượng tối thiểu theo quy định. Ngoài ra, theo lộ trình mức sản lượng tối thiểu đối với xe lắp ráp sẽ tăng dần theo từng năm. Đến đến năm 2022, sản lượng chung tối thiểu DN cam kết phải đạt ít nhất 27.000 xe, trong đó phải có 1 dòng xe đạt sản lượng trên 10.000 xe/năm.
Với các DN sản xuất, lắp ráp các dòng xe thương mại như xe tải, mini buýt, xe buýt, xe khách cũng phải cam kết đạt sản lượng theo từng mức khác nhau để được hưởng chương trình ưu đãi thuế.
Ô tô “nội” sẽ giảm giá mạnh?
Việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện dành cho ô tô lắp ráp trong nước mở ra nhiều cơ hội để ô tô “nội” giảm giá bán, qua đó cạnh tranh với xe nhập khẩu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối trên 40% từ ASEAN sắp được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào năm 2018.
Giá xe lắp ráp trong nước có cơ hội giảm để cạnh tranh với xe nhập khẩu từ ASEAN
Hiện tại, hầu hết các mẫu xe lắp ráp tại VN đều nhập khẩu linh kiện từ một số quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Vì vậy, xét về lý thuyết khi thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, một số mẫu ô tô có thể được DN giảm giá để tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, liệu giá bán ô tô trong nước có thực sự giảm sâu theo mức ưu đãi thuế, như kỳ vọng của người tiêu dùng nhất là trong bối cảnh một số DN đã công bố giá xe năm 2018 (!?)
Trường Hải (THACO) đã sớm có câu trả lời cho vấn đề này khi thông báo chi tiết mức giá giảm cho các dòng xe KIA, Mazda trong giai đoạn cuối năm 2017 cũng như giá bán áp dụng từ ngày 1.1.2018. Đại diện THACO cho biết: “Giá bán công bố cho giai đoạn cuối năm 2017 chính là giá đã giảm theo thuế nhập khẩu linh kiện về bằng 0%, đồng thời giá mà hãng công bố trong năm 2018 đã được điều chỉnh theo chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt giảm 5% dành cho dòng xe trang bị động cơ có dung tích dưới 2.0 lít. Tuy nhiên, mức giá mới mà THACO công bố cho năm 2018 chỉ chênh lệch từ 10 - 40 triệu đồng tùy từng mẫu xe.
Nhiều mẫu xe Mazda lắp ráp trong nước đã được THACO công bố giá bán cho năm 2018
Trong khi đó, ngay từ đầu tháng 11.2017, Toyota đã điều chỉnh mức giá bán theo hướng giảm vài chục triệu đồng cho các mẫu xe lắp ráp trong nước, đồng thời xác nhận đó cũng là mức giá cho năm 2018. Tuy nhiên, tại thời điểm Toyota VN công bố giá bán mới, Nghị định 125 có nội dung liên quan về việc giảm thuế linh kiện về 0% cho ô tô lắp ráp trong nước vẫn chưa chính thức được Chính phủ ban hành. Trong văn bản gửi đến các cơ quan báo chí, truyền thông ngày 1.11, hãng xe Nhật Bản chỉ đề cập đến việc điều chỉnh giá ô tô “nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và phản ánh sớm chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt mới được áp dụng từ ngày 1.1.2018”. Điều này khiến người tiêu dùng băn khoăn, liệu giá xe mà Toyota công bố áp dụng từ năm 2018, đã được giảm theo mức ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện về 0% dành cho xe lắp ráp trong nước hay chưa (!?)
Trước động thái của hai “ông lớn” THACO, Toyota cũng như chính sách giảm thuế linh kiện về 0% cho ô tô lắp ráp vừa được ban hành, chắc chắn sẽ còn nhiều hãng xe công bố giá cho năm 2018. Hyundai Thành Công, Honda, Ford cũng đang tính toán lợi ích để điều chỉnh giá bán tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, các hãng xe này cho biết, giá bán chưa thể thay đổi ngay lập tức, bên cạnh đó mức chênh lệch giá cũng không quá lớn, khi giá bán một số dòng xe đã giảm mạnh trong thời gian qua.
Thuế nhập khẩu linh kiện về 0% sẽ tạo ra phân hóa rõ rệt hơn giữa các DN lắp ráp ô tô
Việc thuế nhập khẩu linh kiện về 0% được cho là sẽ tạo nên sự cân bằng trong cuộc chiến giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu từ ASEAN về VN trong thời gian tới. Đồng thời theo một chuyên gia trong ngành, chính sách giảm thuế linh kiện về 0% kèm theo điều kiện về sản lượng sẽ góp phần tạo ra sự phân hóa rõ rệt hơn giữa các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tại VN. Còn về phía người tiêu dùng, chắc hẳn sẽ càng có thêm lý do để chờ đợi khi thời điểm 2018 đã cận kề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.