Nói chính xác thì không phải luật thuế thu nhập cá nhân ưu ái người nước ngoài mà là thiếu công bằng với người trong nước. Bởi khấu trừ chi phí hợp lý hợp lệ trước khi tính thuế là cách hầu hết các nước trên thế giới thực hiện. Cũng giống doanh nghiệp, các khoản chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất kinh doanh đều được khấu trừ, số lợi nhuận còn lại mới tính thuế.
Nên cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam khấu trừ một số chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân là hoàn toàn đúng. Việc này cũng góp phần đảm bảo cạnh tranh thu hút vốn ngoại vào Việt Nam với các nước xung quanh. Thế nhưng chỉ cho người nước ngoài được khấu trừ chi phí mà không cho người Việt Nam thì quá vô lý, phân biệt đối xử và thiếu công bằng. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc về ngưỡng thuế, về éo le chi tiêu không đủ nhưng vẫn phải nộp thuế hiện nay. Vì vậy, luật Thuế thu nhập cá nhân nên chỉnh sửa theo hướng công dân được khấu trừ các chi phí hợp lý hợp lệ như xăng xe, thuê nhà (lãi vay mua căn nhà đầu tiên), y tế, giáo dục... trước khi tính thuế để đảm bảo sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế nói chung.
Chưa kể cho khấu trừ chi phí hợp lý trước khi tính thuế buộc người dân phải lấy hóa đơn, hình thành thói quen lấy hóa đơn khi mua sắm, chi tiêu. Từ đó việc quản lý thuế của cơ quan có thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng hiệu quả hơn, nhất là kinh doanh trên mạng.
Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 40 yêu cầu các sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh thông qua sàn. Đây được coi là một trong những giải pháp chống thất thu thuế qua mạng. Thế nhưng giải pháp này là chưa đủ, mà cơ quan có thẩm quyền cần có chính sách khuyến khích người dân lấy hóa đơn khi mua hàng. Họ lấy thì nơi bán phải xuất hóa đơn mua hàng, ngăn chặn được tình trạng không xuất hóa đơn để trốn thuế hiện nay. Vấn đề này thực tế đã được đề xuất rất nhiều lần, ví dụ quy định người có hóa đơn mua hàng với giá trị nhất định sẽ được tặng phiếu đổ xăng, quay số trúng thưởng theo tuần, theo tháng... nhưng đến giờ vẫn chưa được thực hiện.
Vẫn biết điều hành ngân sách có cái khó, nỗi sợ hụt thu luôn thường trực, nhưng hơn 1 thập kỷ qua số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng đều dù chúng ta đã 3 lần điều chỉnh thuế suất cho người nộp thuế từ 4 triệu lên 9 triệu và lên 11 triệu đồng hiện nay. Tương tự, việc khấu trừ chi phí hợp lý cho người trong nước trước khi tính thuế thu nhập cá nhân có thể khiến ngân sách hụt đi một khoản nhưng sẽ tạo được thói quen lấy hóa đơn thì nguồn thu thuế giá trị gia tăng (10%) chắc chắn sẽ tăng vọt, các khoản thất thu được kiểm soát. Hay nói cách khác, “bỏ con tép, bắt con tôm” chứ cũng không mất đi đằng nào.
Tạo sự công bằng cho người nộp thuế, đúng xu hướng và bản chất của thuế, hạn chế thất thu, thậm chí tăng nguồn thu cho ngân sách... một mũi tên trúng nhiều đích, hy vọng Bộ Tài chính sẽ nhanh chóng sửa đổi những bất hợp lý trong luật thuế thu nhập cá nhân để những người đóng thuế cảm nhận được sự chia sẻ của Nhà nước và cũng là cách nuôi dưỡng nguồn thu lâu dài.
Bình luận (0)