Ai cứu nông dân?

15/02/2022 04:16 GMT+7

Nông dân ở Tiền Giang, Long An đang kêu cứu vì doanh nghiệp, thương lái ngưng thu mua thanh long và nhiều loại nông sản ngay sau khi Lạng Sơn thông báo ngưng tiếp nhận hàng thông quan sang Trung Quốc .

Mỗi lần rơi vào tình trạng này, giải pháp duy nhất được áp dụng là giải cứu. Năm 2021 nhiều địa phương đã đề nghị không dùng từ “giải cứu”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cũng đồng ý không dùng từ giải cứu mà phải hành động.

Một nền nông nghiệp không giải cứu không chỉ là ước mơ của người nông dân VN mà còn là khát vọng của các nhà quản lý. Bởi không giải cứu, nghĩa là chúng ta đã xây dựng được một nền kinh tế nông nghiệp từ khâu quy hoạch nuôi con gì, trồng cây gì theo tín hiệu thị trường; xây dựng được ngành công nghiệp chế biến để khắc chế vấn nạn “được mùa mất giá”, cơ giới hóa và nâng cao chất lượng thay vì chạy theo sản lượng, số lượng.

Riêng với thị trường Trung Quốc, thay vì đổ dồn nông sản bán biên mậu, chúng ta sẽ chuyển sang xuất chính ngạch để hạn chế tối đa cảnh xe chở thanh long, mít... xếp hàng nơi cửa khẩu. Tất nhiên, có rất nhiều việc phải làm để hình thành một nền kinh tế nông nghiệp chứ không chỉ vài đầu việc như nói trên. Thế nhưng nhìn lại thì ngoài tổ chức kết nối đơn vị phân phối này, địa phương kia, tổ chức nọ đứng ra thu mua thay vì giải cứu theo kiểu bán đổ bán tháo như trước đây, chúng ta vẫn chưa làm được gì nhiều. Đó là lý do trước tết, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc vì hàng chục ngàn container nông sản xếp hàng ở các cửa khẩu Lạng Sơn chờ thông quan trong bế tắc. Và sau Tết, tình trạng này vẫn tiếp tục khi Trung Quốc duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 nghiêm ngặt

Tất nhiên, đó không phải là toàn cảnh bức tranh nông nghiệp của chúng ta. Ở một mảng màu khác, cũng đang có những tín hiệu tích cực khi một số doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp.

Tuần trước, Công ty CP Tập đoàn Tân Long đã ký hợp tác xây dựng vùng nguyên liệu với diện tích lên đến 60.000 ha lúa chất lượng cao ở An Giang và Kiên Giang với mục tiêu xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo bền vững. Cũng ngay trong tuần đầu tiên của năm mới, Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời đầu tư hơn 12.000 tỉ đồng để tổ chức sản xuất và mua bán 2 triệu tấn lúa cho đối tác nước ngoài. Những doanh nghiệp này chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của đối tác nên những hộ nông dân nằm trong mối quan hệ này được bao tiêu đầu ra mà không bao giờ phải lo giải cứu. Thực tế cho thấy khi các công ty lớn đầu tư vào nông nghiệp đã mang lại những hiệu quả rõ ràng, đưa giá trị và thương hiệu của sản phẩm VN không chỉ đáp ứng cho người tiêu dùng nội địa mà còn chinh phục thị trường thế giới.

Thế nên, liên kết doanh nghiệp với nông dân là hết sức quan trọng để giải quyết các vấn nạn của ngành nông nghiệp hiện nay. Tiếc là việc này nói đã cả thập niên nhưng vẫn còn rất nhiều mối quan hệ mua đứt bán đoạn giữa nông dân và thương lái, doanh nghiệp. Để rồi khi thị trường có biến, họ bỏ chạy, bỏ mặc bà con với nông sản ế đồng, dội chợ.

Không chỉ là thế mạnh của nước ta, nông nghiệp còn nhiều lần trở thành bệ đỡ khi nền kinh tế gặp khó khăn, khủng hoảng và là sinh kế của hàng triệu nông dân... Thế nhưng, nông nghiệp là lĩnh vực có nhiều rủi ro, khó khăn so với nhiều ngành nghề khác. Vì vậy, để kêu gọi doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn bỏ vốn vào nông nghiệp, phải có những cơ chế chính sách hấp dẫn. Quan trọng hơn, nhà nước phải thực sự đồng hành với họ, đi cùng họ để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Chỉ có như thế, mới hy vọng chấm dứt được tình trạng giải cứu vẫn đang đeo bám ngành nông nghiệp của chúng ta hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.