Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương

Bảo Vy
(TP.HCM)
27/07/2024 08:09 GMT+7

"Sáng thứ bảy, lúc 7 giờ Trường mầm non Kim Đồng có bánh mì thịt, mì gói, mời các bác, anh chị tới trường nhận ạ". "Sáng thứ bảy có bánh mì, gạo, mời bà con tới Trường mầm non Kim Đồng nhận về dùng". "Sáng thứ bảy, Trường mầm non Kim Đồng phát bánh mì, bánh giò lúc 7 giờ. 15 phút sau thì chúng tôi tới Bệnh viện Ung bướu".

Bạn bè trên Facebook của bà giáo Thương đều không xa lạ với những "status" rất ngắn gọn, đều đặn, thời gian, địa điểm rõ ràng như thế. Còn ai là người dân sống ở khu cư xá Thanh Đa thì đã quen thuộc với hình ảnh hàng dài người chờ nhận những ổ bánh mì nóng hổi, có hôm còn thêm bánh giò, gạo, mì gói… từ bà giáo Thương và các cô giáo Trường mầm non Kim Đồng (1A1 Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh, TP.HCM).

BÀ GIÁO CÓ TRÁI TIM NHÂN HẬU

Bà giáo Thương tên đầy đủ là Hồ Thị Thương, 72 tuổi, chủ Trường mầm non Kim Đồng. Bà bắt đầu với sự nghiệp là cô nuôi dạy trẻ từ năm 1976 ở một trường mầm non tại Q.Tân Bình, sau đó về làm giáo viên ở Trường mẫu giáo Măng Non 27 và có 10 năm ở cương vị hiệu trưởng nhà trường (bây giờ là Trường mầm non 27).

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 1.

Bà giáo Thương và các em nhỏ tại Trường mầm non Kim Đồng

THÚY HẰNG

Năm 1990, bà giáo Thương mở trường mầm non Kim Đồng - một trong những trường mầm non ngoài công lập đầu tiên của Q.Bình Thạnh. Nơi đây trở thành ngôi nhà thứ hai của nhiều trẻ nhỏ. Đặc biệt, nhiều thế hệ học trò cũ của bà giáo Thương đã khôn lớn, lấy vợ lấy chồng, sinh con và các con lại tiếp tục đến trường của bà giáo Thương.

"Từ khi còn là học sinh tôi đã ước mơ được làm cô giáo mầm non để dạy trẻ nhỏ nhiều điều hay lẽ phải. Khi là sinh viên tôi cũng ấp ủ giấc mơ có thể tự mở một ngôi trường mầm non, làm sao ở đó luôn mang lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ. Trong ngôi trường ấy, trẻ được chăm sóc tỉ mỉ, được giáo dục trong nền nếp rõ ràng, trẻ nào khó khăn sẽ được miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền ăn. Mỗi ngày ở trường là một ngày trẻ được phát triển về thể lực, thẩm mỹ, đạo đức, được chăm sóc và giáo dục trong tình thương yêu", bà giáo Thương nói về những động lực để bà luôn nuôi ước mơ mở trường.

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 2.

Bà giáo Thương và con gái Lục Ngọc Hồ, người nối nghiệp mẹ làm cô giáo mầm non

THÚY HẰNG

Những năm sau này, nhiều trường mầm non ngoài công lập, các lớp mầm non độc lập được mở ra, cạnh tranh nhiều hơn. Đặc biệt sau mùa dịch, các chủ trường mầm non tư thục càng gặp không ít khó khăn về chi phí để vận hành trường, trả lương cho giáo viên, nhân viên. Trường của bà Thương cũng không ngoại lệ. Nhưng bà giáo ngoài 70 tuổi tâm sự khi áp lực quá, bà vẫn nhớ lại lý do mình bắt đầu, vì sao mình muốn mở trường để kiên trì và không bỏ cuộc. "Mỗi ngày được làm việc cùng trẻ em, lớn lên cùng các bé, thấy các bé vui vẻ, ca hát, lớn khôn, chúng tôi được tiếp thêm động lực. Mỗi ngày ở ngôi trường này, có thêm những trẻ khó khăn được hỗ trợ đi học, trong tôi lại có thêm những niềm vui", bà giáo Thương bộc bạch.

NHỮNG THÙNG BÁNH MÌ HẾT LẠI ĐẦY

Hơn 30 năm qua, trường mầm non của bà giáo Thương luôn nhận được sự tin cậy, yêu thương của các phụ huynh. Mong muốn được giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn khu vực P.27, Q.Bình Thạnh, nhiều năm qua, cứ đều đặn 7 giờ sáng thứ bảy hằng tuần, bà giáo Thương lại chuẩn bị cả thùng, với hàng chục ổ tới hơn 100 ổ bánh mì kẹp thịt mời bà con tới trường nhận về ăn sáng. Bao năm qua, thùng bánh mì từ thiện của bà giáo Thương đã trở thành hình ảnh đẹp về sự sẻ chia.

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 3.

Thùng bánh mì yêu thương của bà giáo Thương phát mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, có ngày thùng bánh mì được phát ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1)...

N.G.H

"Có những ngày trời mưa lớn lắm. Thế nhưng 6 rưỡi thì bà con đã đội mưa, thấp thỏm đứng xếp hàng dài trước cổng trường chờ bánh mì, đồ ăn sáng rồi, tôi nhìn hình ảnh ấy thì rất xúc động. Một ổ bánh mì kẹp thịt giúp cho bà con lao động lót dạ, họ có thêm sức khỏe để đi làm cũng khiến mọi người ấm lòng. Nghĩ thế nên tôi càng động viên bản thân, làm sao mình càng cố gắng làm việc, dành dụm được thêm càng nhiều, để giúp thêm được nhiều người nữa", bà giáo Thương kể.

Có tuần, vừa phát bánh mì kẹp thịt, bánh giò, bà giáo Thương còn phát thêm gạo, mì gói cho người nghèo. Bà còn ủng hộ tiền để xây cầu cho bà con ở Long An. Nhiều buổi sáng, nhóm từ thiện Trường mầm non Kim Đồng vừa phát bánh mì xong thì chở thêm thùng bánh mì từ thiện nữa tới Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1 tại Q.Bình Thạnh), phát hàng trăm suất bánh mì tới bà con.

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 4.

Thùng bánh mì yêu thương của bà giáo Thương phát mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, có ngày thùng bánh mì được phát ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1)...

N.G.H

Tiếng lành đồn xa, biết bà giáo Thương hay đi làm từ thiện, các nhà hảo tâm, các phụ huynh học sinh tìm đến bà, cùng góp thêm với bà, mỗi người một chút, để cùng nhân rộng những món quà, làm đầy thêm nhiều thùng bánh mì trao tặng đến những hoàn cảnh khó khăn, không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác.

Trên Facebook cá nhân, mỗi tuần bà giáo Thương đều đặn viết các bài cập nhật thông tin những nhà hảo tâm đã chung sức cùng bà, tặng bánh mì, gạo cho bà con. Những bài viết ngắn gọn, giản dị như những trang nhật ký đầy ắp thương yêu. "Hình ảnh các bác, anh chị P.27 và Bệnh viện Ung bướu thật vui tươi và hạnh phúc, trong tay mỗi người một ổ bánh mì, bánh giò và phiếu lãnh gạo. Thay mặt nhóm thiện nguyện Trường mầm non Kim Đồng và bà con nghèo, cảm ơn cô Thủy (Đông Phương Thủy), cô giáo Thu Huyền (dạy thể dục) và cô Hà Ngọc đã đồng hành cùng nhóm".

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 5.

Thùng bánh mì yêu thương của bà giáo Thương phát mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, có ngày thùng bánh mì được phát ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1)...

N.G.H

"Sáng nay mặc dù bận rộn tổ chức lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20.11 nhưng nhóm thiện nguyện trường mầm non cũng tranh thủ phát bánh mì ăn sáng cho bà con trong khoảng thời gian từ 7 - 7 giờ 10 là hết 100 suất bánh mì và bánh giò. Sau đó thầy trò chúng tôi tiếp tục tổ chức buổi lễ".

"Hôm nay trời mưa nhưng bà con vẫn đến trường lấy bánh mì, bánh giò ăn sáng rất cảm động. Xin tri ân cô Thủy (Đông Phương Thủy) và nhóm thiện nguyện Trường mầm non Kim Đồng không quản ngại trời mưa vẫn đến Bệnh viện Ung bướu phát cho bà con. Chiều nay phát gạo lúc 4 giờ chiều, bà con nào có phiếu đến nhận. Xin cảm ơn"…

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 6.

Thùng bánh mì yêu thương của bà giáo Thương phát mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, có ngày thùng bánh mì được phát ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM (cơ sở 1)...

N.G.H

CON GÁI NỐI NGHIỆP MẸ

Hiện nay, ở tuổi 72, bà giáo Thương đã có người nối nghiệp, đó là cô con gái Lục Ngọc Hồ, 31 tuổi. Sau khi tốt nghiệp ngành Hàn Quốc học của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, cảm phục tình yêu thương trẻ em của mẹ và các cô giáo, bảo mẫu trong trường, Ngọc Hồ quyết tâm đi học tiếp về giáo dục mầm non. Cô đã học xong ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Trà Vinh và hiện đang là hiệu trưởng của Trường mầm non Kim Đồng.

Chúng tôi đến Trường mầm non Kim Đồng đúng vào giờ trẻ ăn trưa. Các cô giáo cho trẻ vệ sinh cá nhân, ngồi đúng vị trí và ăn phần ăn của mình. Khu vực bếp rất sạch sẽ, đảm bảo quy định bếp một chiều. Trẻ nhỏ thấy bà giáo Thương thì vui vẻ, ai cũng khoanh tay "con chào bà", âu yếm gọi bà là "bà ngoại ơi", hay chạy lại cho bà ôm. Các bé nhỏ đã ăn xong được các cô giáo giúp tắm rửa, thay đồ sạch sẽ rồi đi ngủ trưa. Bà giáo Thương dặn các cô bảo mẫu phải nấu nước ấm để tắm cho trẻ, dù trời mát hay nóng, trẻ nhỏ được tắm với nước ấm mới đảm bảo sức khỏe.

Bà giáo chia sẻ bé ở độ tuổi mẫu giáo (3 - 6 tuổi) thì ăn xế xong mới tắm. Còn bé tuổi nhà trẻ (dưới 36 tháng) sẽ được tắm trước khi ngủ trưa vì sau nửa ngày vui chơi, ăn uống, các con sẽ ra mồ hôi, tắm xong sẽ giúp các bé ngủ ngon hơn. Ngủ dậy, ăn xế xong các con được rửa mặt lại, cột tóc gọn gàng, buổi chiều đi học về tới nhà vẫn còn thơm tho, áo quần ngay ngắn. Đây cũng là cách giáo dục cho trẻ nhận thức về thẩm mỹ, sức khỏe từ khi các em còn rất nhỏ...

Bà giáo nhận bằng khen của UBND TP.HCM

Năm 1986 bà Hồ Thị Thương - khi đó là Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Măng non 27, được trao bằng khen của UBND TP.HCM về "Đã có thành tích xuất sắc liên tục nhiều năm, góp phần tích cực vào công việc cải tạo, xây dựng và bảo vệ Thành phố (1975 - 1985)".

Trường mầm non Kim Đồng của bà giáo Thương nhiều lần nhận bằng khen của Phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh. Năm 2020, trường nhận bằng khen của Chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh…

Thùng bánh mì sáng thứ bảy của bà giáo Thương- Ảnh 7.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.