Len lỏi trong ngõ hẻm, chỉ cần chiếc loa mini cùng chiếc điện thoại thông minh, ai cũng có thể thành “ca sĩ”, còn hàng xóm là những khán giả bất đắc dĩ. Cảm giác không hề dễ chịu này chỉ lắng xuống khi đợt dịch Covid-19 bùng phát, giãn cách xã hội trên diện rộng, quán xá buộc phải đóng cửa. Đến nay, khi các hoạt động kinh tế xã hội khôi phục hoàn toàn thì những âm thanh đinh tai nhức óc đó lại nở rộ. Nỗi ám ảnh này từng được đưa ra nghị trường HĐND TP.HCM thảo luận, phân tích và thống nhất cần phải giải quyết sớm, cho thấy ngưỡng chịu đựng của người dân đã tới đỉnh điểm.
Hát karaoke bằng loa thùng di động trên đường Phạm Văn Đồng, TP.HCM |
NGỌC DƯƠNG |
Ô nhiễm tiếng ồn gây ra nhiều hệ lụy, từ sức khỏe tinh thần bị tổn hại, hàng xóm láng giềng mất tình đoàn kết, cho đến vướng vào vòng lao lý. Điển hình là vụ việc 3 thanh niên ở xã Vĩnh Lộc A (H.Bình Chánh, TP.HCM) tổ chức ăn nhậu, hát hò đến 1 giờ sáng, khi lực lượng chức năng tới nhắc nhở thì nhóm này lao vào hành hung, khóa cửa nhốt dân phòng... Cũng cần nói thêm, “giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm tiếng ồn trong khu dân cư” là một trong 12 nội dung thi đua mà chính quyền TP.HCM phát động trong năm 2021. Nhiều hiến kế, giải pháp được đề đạt nhưng với thực tế đang diễn ra, dường như TP.HCM vẫn chưa có phương thuốc đặc trị cho vấn nạn này đã kéo dài nhiều năm qua.
Có một cách làm mà nhiều chủ tịch phường đánh giá hiệu quả, đó là nơi nào hát hò ầm ĩ mà cảnh sát khu vực đến nhắc nhở kịp thời thì những người tham gia cuộc vui sẽ thấy ngại mà vặn nhỏ âm thanh, hoặc dừng luôn tiết mục ca hát. Hiện các tổ dân phố, khu phố đều có nhóm Zalo, trong đó có cảnh sát khu vực, tổ trưởng dân phố, nên chỉ cần báo lên nhóm là mọi người đều biết. Vấn đề còn lại là những “bị hại” có dám lên tiếng để bảo vệ mình, và cảnh sát khu vực có đủ nhiệt huyết để xuống ngay hiện trường vào lúc dân cần nhất hay không?
Bình luận (0)