Thuốc nào trị “bệnh” nói tục, chửi thề ?

20/09/2022 08:00 GMT+7

Cây chuyện học sinh nói tục, chửi thề, không thể phó mặc hết việc giáo dục con trẻ cho nhà trường. Gia đình là cái nôi hình thành đạo đức, nhân cách của mỗi đứa trẻ, đồng thời bản thân mỗi người trẻ cũng phải có trách nhiệm với chính mình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó trưởng khoa Đông phương học, Trường ĐH Văn Hiến, cho hay học sinh (HS), sinh viên nói tục, chửi thề hiện nay khá nhiều và có thực tế trước mặt thầy cô thì HS, sinh viên không nói tục, chửi bậy; nhưng khi đi với bạn bè đồng trang lứa thì các em không ngần ngại thể hiện. Chắc chắn, không một người thầy nào có thể cảm thấy dễ chịu khi nghe từ miệng của học trò mình những từ ngữ rất tục, bậy.

Cần quan tâm tới giáo dục nhân cách mỗi đứa trẻ

Ảnh minh họa: Thúy Hằng

Theo thạc sĩ Hồng Yến, giáo dục phải được cộng hưởng, góp sức từ nhà trường, gia đình và xã hội, không thể nào phụ huynh phó mặc hết việc giáo dục con trẻ từ nhà trường. Và khi học trò nói tục, bậy thì lại đổ lỗi cho nhà trường không dạy con trẻ.

“Người xưa đã dạy “học ăn học nói”, ngay từ khi còn ấu thơ gia đình là nơi đầu tiên hướng dẫn, rèn giũa từng lời ăn tiếng nói con em mình. Gia đình sẽ là những người thầy đầu tiên bảo ban con trong các mặt của đời sống, dạy chúng phân biệt đúng sai. Ở trường chắc chắn không ai dạy văng tục, chửi thề cả. Các em càng lớn, sự tiếp xúc với xã hội càng nhiều, do đó nếu người lớn cũng làm gương, các trang mạng xã hội được trong sạch, lành mạnh thì các em được hưởng không gian tích cực, được lĩnh hội cái hay, cái đẹp”, thạc sĩ Hồng Yến trao đổi.

Chị Trần Thị Thanh Thủy, 36 tuổi, Chủ tịch Hội Phụ nữ P.14, Q.10, TP.HCM, cho hay trong gia đình chị luôn có nguyên tắc ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu noi theo. “Gia đình tôi hai bên đều không ai hút thuốc nên anh em đều không có ai hút. Khi em rể tôi hút thuốc, ba tôi mấy lần trò chuyện, em đã bỏ thuốc lá luôn. Từ ngày có các cháu, mẹ chồng tôi cũng bỏ luôn một câu cửa miệng bà hay nói ngày trước. Nói như vậy để thấy môi trường gia đình, sự gương mẫu của người lớn quan trọng như thế nào trong những năm đầu đời và tuổi dậy thì của trẻ, với tôi đây cũng là giải pháp quan trọng nhất”, chị Thủy nói.

Chị cho rằng không thể quy hết trách nhiệm việc đứa trẻ văng tục, chửi thề là do lỗi nhà trường hay gia đình, mà rất cần sự phối hợp gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục các con. Đồng thời trách nhiệm của các cơ quan quản lý cần tăng cường chế tài đối với các kênh YouTube, TikTok, Facebook với nội dung xấu, những chương trình giải trí độc hại cho trẻ em.

Đồng thời, theo chị Thủy, phụ huynh có quyền lựa chọn cho con môi trường học tập, sinh sống, quan điểm của chị là “môi trường mà 10 đứa trẻ không văng tục chửi thề, chỉ có 1 - 2 trẻ nói, khi đó con sẽ thấy mình khác người và sẽ tự khắc điều chỉnh hành vi”.

Trong khi đó, nữ nhà văn Gari Nguyễn cũng cho rằng mỗi người trẻ cũng cần phải có trách nhiệm với chính mình. Các bạn cần có sự chọn lọc trong các sản phẩm nghe, đọc, nhìn và có màng lọc, “sức đề kháng” trước những thói hư tật xấu. “Giới trẻ hiện nay rất tài năng, nhiều bạn gen Z có thể kiếm tiền từ trên ghế nhà trường. Nhưng chỉ có tài mà thiếu đạo đức, văn hóa thì chưa đủ. Sự khẳng định bản thân bền vững nhất, chắc chắn không phải là nói tục, chửi bậy, hở ra là dùng toàn tiếng lóng, chợ búa, mà là tài năng, nhân cách, cách các bạn đối nhân xử thế”, nữ nhà văn 26 tuổi nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.