Thương em bé nhỏ
Theo địa chỉ, chúng tôi tìm đến xe bánh dừa của bà Lý Kim Phượng (58 tuổi, ngụ P.An Bình, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) nằm trên đường Nguyễn Hiền, Q.Ninh Kiều.
Những năm qua, ai thường qua đoạn đường này đều quen với hình ảnh người phụ nữ tóc hoa râm đứng bán bánh, còn người cháu gái lủi thủi chơi một mình. Có khi, cô bé ngủ thiếp trên ghế đá lúc nào không hay.
Bà Phượng cho biết, cô bé tên là Nguyễn Phương Nghi (10 tuổi). Thoạt nghe cách xưng hô, cứ tưởng bé là cháu ruột của bà Phượng, nhưng hóa ra không phải. Bà Phượng là bà cô của Nghi. Lúc Nghi còn nhỏ xíu thì hôn nhân cha mẹ đổ vỡ, tòa giao cháu cho ông bà ngoại nuôi.
Sau đó, mẹ Nghi đi làm và hiếm khi về thăm con, hiện đã có bến đỗ mới. "Tưởng chừng không có cha mẹ thì còn ông bà đỡ đần, vậy mà thiệt thòi một lần nữa ập tới khi ông bà ngoại Nghi ly dị. Bà ngoại ra đi, ông ngoại nó buồn chán nên đến Phú Quốc sinh sống. Từ đó, Nghi sống với tôi, gọi tui là bà ngoại", bà Phượng kể.
Nhà bà Phượng nằm dưới dạ cầu An Bình, 2 bà cháu đẩy xe ra bán phải mất hơn 30 phút. Khoảng 5 giờ sáng, dừa nạo giao tới thì bà sơ chế xào ngọt, đong bột làm bánh. Tầm 8 giờ, 2 bà cháu bắt đầu đi bán bánh đến khoảng 20 giờ mới về. Chừng ấy thời gian, có biết bao sự thách thức lòng kiên nhẫn đối với một đứa trẻ nhưng Nhi đã quen với sự chờ đợi. Bởi theo bà Phượng, bà đã từng thiết kế chỗ nằm trong tủ xe như một chiếc nôi để mang Nghi theo từ lúc còn bé xíu.
Chiếc xe bánh dừa của bà Phượng đã lăn bánh hơn 20 năm. Đến nay, có nhiều chỗ hư hỏng, mái che bị dột khi mưa. Bà Phượng nối nghề từ cha. Trước đây, ngoài chăm sóc cho cháu, bà Phượng còn phụng dưỡng mẹ già mắc bệnh tai biến.
Vất vả nhưng bà ráng vượt qua, bởi còn mẹ là còn chỗ dựa tinh thần để làm việc. Vì thế, bà không nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng.
"Bây giờ, tôi cũng phận mồ côi. Tôi lớn tuổi rồi mà nhiều lúc nhớ cha mẹ còn không cầm được nước mắt. Càng nghĩ thì càng thấy thương Nghi. Cháu nó thiếu thốn tình thương của cha mẹ sớm quá", bà Phượng chợt buồn
Khó khăn, thiếu thốn vẫn ráng lo cho cháu đi học
Mỗi ngày, bà Phượng chuẩn bị 2 nồi bột, nếu bán đắt thì kiếm được khoảng 200.000 đồng. Những ngày mưa, 2 bà cháu nhẫn nại chờ khách nhưng không bán được bao nhiêu. Khó khăn nhưng bà vẫn ráng lo cho Nghi đi học. Tuy nhiên, gần đây thu nhập bấp bênh, tiền học bán trú không lo nổi, Nghi học tới lớp 3 thì đứt gánh giữa đường.
Bà Phương bùi ngùi: "Sắp tới, Nghi sẽ đi học trong một mái ấm tình thương. Lớp học miễn phí nên phù hợp với hoàn cảnh hiện giờ của 2 bà cháu. Vả lại, Nghi vô đó cũng sẽ được ở tới 20 giờ, như vậy thì không còn phải theo tôi dãi nắng, dầm mưa nữa. Tôi bán xong thì qua rước cháu về luôn cũng tiện".
Chia sẻ về cháu ngoại, bà Phượng cho biết hồi nhỏ Nghi sinh non, lớn lên hay bị nhức đầu nên khó nuôi. Mọi người thường nhận xét Nghi rụt rè, nhút nhát nhưng thật ra khi ở với bà thì rất biết quan tâm và sống tình cảm. Sở trường của cô bé là xoa bóp tay chân và pha nước chanh cho bà uống đỡ mệt. Nghi cũng thường phụ mang bánh ra bán cho khách, tiếp tay đẩy xe hàng. Mặc dù những công việc đó không đáng kể nhưng khiến bà Phượng cảm thấy ấm áp vô cùng.
Thỉnh thoảng, cảm nhận được sự thiệt thòi so với các bạn, Nghi cũng thường thắc mắc về gia đình của mình. Bà Phượng không khỏi chạnh lòng và nhủ phải cố gắng làm để bù đắp phần thiệt thòi của cháu. Điều bà thường làm là cho cháu ít tiền mua quà ăn vặt. Song, chuyện đưa Nghi đi chơi thì không ít lần bỏ ngõ vì công việc bận bịu và bà bị bệnh parkinson. Khi trời trở lạnh, tay chân bà Phượng run rẩy, đẩy xe hàng đã khó, việc đổ bánh càng chật vật hơn.
Hành trình mưu sinh của hai bà cháu nhọc nhằn nhưng cũng có những niềm vui. Họ thường nhận được những phần cơm, cháo, thức ăn miễn phí của nhiều chủ quán. Nhờ sự giúp đỡ của mọi người, hiện bà Phượng có chỗ gửi xe hàng, đoạn đường đẩy xe ra bán rút ngắn chỉ còn phân nửa. Cũng như hôm có mặt PV Thanh Niên, Nghi mang tiền đi mua quà vặt, không chỉ được chủ quán hào phóng tặng cho mà còn cho thêm phần dành của bà Phượng.
Nguyễn Mỹ Mỹ (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ) cho biết, đi học ngang thường ghé vào ủng hộ xe bánh của 2 bà cháu. "Trước đây, có một tài khoản từng chia sẻ hoàn cảnh của họ lên mạng xã hội. Tôi đọc thấy thương nên thỉnh thoảng là ghé mua ủng hộ. Với tôi, bánh bà bán cũng hợp khẩu vị và vừa túi tiền".
Cũng đến để mua bánh, em Lê Như Ý (14 tuổi, ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) chia sẻ: "Bánh bà làm xong thì cháu gái mang ra cho em. Nhiều hôm mưa to em đi qua thấy bà để xe bánh ở ngoài, rồi 2 bà cháu ngồi trú mưa trước mái hiên nhà người khác. Mỗi khi thấy khách đến đông em cũng vui cho họ".
Hôm PV Thanh Niên đến nhà, chiều mưa lát đát mà nồi bột của bà Phượng vẫn còn nhiều, cuộc mưu sinh có lẽ sẽ không như mong đợi. Con đường dần vắng người qua lại, công việc bán bánh cũng tạm thời gián đoạn.
Chúng tôi ra về với nỗi lo cơn mưa sẽ khiến xe bánh dừa lại gặp một ngày kém may mắn. Nhưng, chính hình ảnh bà Phượng âu yếm ôm Nghi và giành cho em những nụ hôn yêu thương đã khiến lòng mỗi người như được an ủi, cảm thấy ấm áp đến lạ lùng, khó tả.
Bình luận (0)