Tăng lương từ 1.7, nhiều người sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn

Mai Phương
Mai Phương
03/07/2023 11:31 GMT+7

Kể từ 1.7, mức lương cơ sở hàng tháng đối với công chức, viên chức sẽ được tăng lên 1,8 triệu thay cho mức 1,49 triệu đồng. Đây là lần tăng lương thứ 13 trong vòng 19 năm trở lại đây và cũng là năm tăng lương cơ sở cao nhất.

Hiện nay, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x Hệ số lương. Ví dụ, với công chức loại A1 (đây là số lượng phổ biến ở nhiều ngành nghề, có trình độ đại học trở lên) có hệ số lương khởi điểm là 2,34. Nếu tính theo mức lương cơ sở hiện hành 1,49 triệu đồng thì tiền lương nhận được là 3,486 triệu đồng/tháng. Kể từ 1.7 tính theo mức lương cơ sở mới thì tiền lương lên 4,212 triệu đồng/tháng, tương đương tăng thêm 736.000 đồng. 

Với người đang có hệ số lương là 3 thì mức lương từ tháng 7 sẽ nhận được 5,4 triệu đồng/người, cao hơn 930.000 đồng so với mức lương cũ; người có hệ số lương 4,98 (bậc cao nhất của công chức loại A1) sẽ nhận được tiền lương mới là 8,964 triệu đồng, cao hơn 1,544 triệu đồng mức lương cũ...

Tăng lương từ ngày 1.7, nhiều người sẽ phải tăng nộp thuế thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Ví dụ mức lương của công chức loại A1 từ ngày 1.7

CHINHPHU.VN

Lương tăng, nộp thuế tăng

Việc tăng lương cơ sở từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa mức thuế thu nhập cá nhân mà người lao động phải đóng cũng sẽ tăng thêm. Nhưng đi kèm với việc tăng lương thì nhiều người sẽ đối diện với tình trạng số thuế thu nhập cá nhân phải nộp sẽ tăng theo. Chị Minh An (Q.7, TP.HCM) nhẩm tính, hệ số lương của chị đang ở mức 4,98, đợt này lương ngạch bậc sẽ tăng thêm khoảng 1,54 triệu đồng, lên gần 9 triệu đồng/tháng. 

Tuy nhiên, lương thực nhận của chị gấp khoảng 3 lần lương cơ sở và thêm một số thù lao khác, tương đương gần 30 triệu đồng/tháng. Trừ đi mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân chị là 11 triệu đồng thì số tiền còn phải đóng thuế đã lọt vào khung trên 18 triệu đồng đến 32 triệu đồng. Vì vậy, chị phải đóng thuế 20% trên thu nhập chịu thuế, tương ứng tiền thuế mỗi tháng khoảng 2,15 triệu đồng. 

"Trước, mình chỉ đóng ở mức thuế 15% khi thu nhập phải chịu thuế còn lại hơn 17 triệu đồng mỗi tháng và số thuế phải nộp khoảng 1,8 triệu đồng. Như vậy, nay lương tăng thêm được hơn 1,5 triệu đồng thì thuế đã đóng cao hơn 300.000 đồng. Nếu có thêm thu nhập gì nữa thì số thuế sẽ tăng lên cao hơn vì bậc thuế đã nâng lên. Nghe lương tăng cũng vui nhưng không bao nhiêu mà thấy đóng thuế cao hơn cũng nản", chị Minh An chia sẻ. 

Tăng lương từ ngày 1.7, nhiều người sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhiều hơn - Ảnh 2.

Tăng lương từ 1.7 với nhiều người sẽ phải tăng đóng thuế thu nhập cá nhân

ĐÀO NGỌC THẠCH

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang nhận định, hiện các bậc thuế trong biểu thuế thu nhập cá nhân quá dày, sát nhau nên khi lương nhích lên vài trăm ngàn hay lên tiền triệu thì người làm công ăn lương sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Trong đó, sẽ có những người trước đây chưa phải nộp thuế nhưng có thể đợt này do lương tăng sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời cũng sẽ có những người bị nhảy bậc thuế từ mức thấp lên mức cao hơn. 

Hiện nhiều quy định về thuế thu nhập cá nhân đã lỗi thời nên cần xem xét, chỉnh sửa toàn diện. Đặc biệt, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng đã quá lạc hậu, không đủ đảm bảo đời sống cho người dân. Theo Luật sư Trần Xoa, trước đây nhiều ý kiến đề xuất nhiều phương án như tính mức giảm trừ gia cảnh theo lương tối thiểu vùng hay theo lương cơ sở. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng ý và vẫn tính theo mức thu nhập bình quân nhân với hệ số 2,5 lần. Nếu theo phương pháp này thì thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2022 được công bố lên 95,6 triệu đồng/người/năm, tương đương gần 8 triệu đồng/người/tháng. Khi nhân với hệ số 2,5 lần thì mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế lên 20 triệu đồng/tháng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.