Sáng nay 13.3 (theo giờ VN), website của Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh của "bộ tứ kim cương". Tuyên bố này gồm 5 phần.
Trong đó, phần thứ nhất, “bộ tứ” khẳng định cam kết hợp tác 4 nước, thống nhất tầm nhìn chung cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Tuyên bố nêu: “Chúng tôi cố gắng vì một khu vực tự do, cởi mở và hội nhập, lành mạnh được duy trì bởi các giá trị dân chủ, chứ không phải dựa trên sự cưỡng ép”.
Phần thứ hai, tuyên bố chung cho biết “bộ tứ” cố gắng thúc đẩy trật tự tự do dựa trên quy tắc mở, với nòng cốt là luật pháp quốc tế để nâng cao an ninh và thịnh vượng, đồng thời chống lại các mối đe dọa đối với Indo-Pacific.
“Chúng tôi ủng hộ nhà nước pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi cam kết làm việc cùng nhau và với nhiều đối tác. Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sự thống nhất và tập trung của ASEAN cũng như Triển vọng ASEAN về Indo-Pacific”, tuyên bố nêu.
Phần 3 của tuyên bố chung cho rằng để đạt được mục tiêu trên, “bộ tứ” cần phải giải quyết các vấn đề mang tính cấp bách toàn cầu. “Hôm nay, chúng tôi cam kết sẽ ứng phó với các tác động kinh tế và y tế do đại dịch Covid-19 gây ra, phòng chống biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức chung, bao gồm cả trong không gian mạng, công nghệ quan trọng, chống khủng bố, đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, cũng như hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai...”, theo tuyên bố chung.
|
Biển Đông được đề cập trong phần thứ 4 của tuyên bố chung. Trong phần này, “bộ tứ” thống nhất về các hành động cụ thể như hợp tác mở rộng sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 để hỗ trợ các nước nhằm góp phần tăng tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu, tăng cường các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển các công nghệ then chốt cho tương lai nhằm đảm bảo một Indo-Pacific tự do và rộng mở.
“Tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và tạo điều kiện cho sự hợp tác, bao gồm vấn đề an ninh hàng hải, nhằm đáp ứng các thách thức đối với quy tắc trật tự hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông”, phần thứ 4 trong tuyên bố chung nêu ra.
Một số vấn đề khác cũng được đặt ra trong phần này là tiến tới phi hạt nhân hóa ở bán đảo Triều Tiên, giải quyết để sớm ổn định tình hình ở Myanmar đảm bảo tiến trình dân chủ.
Liên quan việc tăng cường sản xuất vắc xin Covid-19, một thông cáo sau đó của Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cùng đóng góp, để phối hợp cùng Công ty dược Biological E (Ấn Độ) sản xuất 1 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 trong năm 2022.
Phần thứ 5 là cam kết thúc đẩy các nỗ lực trên, đồng thời thông tin một hội nghị thượng đỉnh với sự gặp gỡ trực tiếp của lãnh đạo các nước thuộc “bộ tứ kim cương” sẽ diễn ra vào cuối năm nay.
Bình luận (0)