Chợ ế, giá thuê tăng cao
Bà Ngân Lê, thương nhân tự giới thiệu đại diện cho đại gia đình kinh doanh tại An Đông Plaza 15 năm, các thế hệ của gia đình có 10 quầy sạp đang kinh doanh tại đây, cho biết giá sang nhượng 1 sạp của gia đình từ 1,9 - 2,5 tỉ đồng trong thời hạn 5 năm. Đến tháng 4.2023, tất cả các quầy này đều hết thời hạn hợp đồng và đã nhận giá thuê mới từ Ban quản lý An Đông Plaza (thuộc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza) cao hơn rất nhiều so với giá cũ, từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Chẳng hạn, sạp 1F17-1F18 giá thuê cũ là 20,6 triệu đồng/tháng, nay giá công ty đề xuất thuê trong 6 tháng tới là 28 triệu đồng/tháng. "Với mức giá cho thuê mới này thì thương nhân không thể kham nổi trong tình hình thị trường quá yếu. Thực tế, cho thuê mặt bằng kinh doanh trong các trung tâm thương mại từ hơn 1 năm qua giảm rất nhiều. An Đông Plaza cho chúng tôi thuê lại từng tháng với giá cao hơn 25% là ngoài sức "gồng" của thương nhân. Đáng nói là thời hạn cho thuê chỉ 6 tháng, không có hợp đồng tối thiểu 2 năm hay 5 năm như trước".
Tiểu thương An Đông Plaza kêu khổ vì ế, ngồi chơi caro nhưng giá thuê sạp tăng
Bà Nguyễn Thị Kim Thu lại cảm thấy bất an khi tiền thuê mặt bằng tại đây vừa tăng quá cao mà không có bất kỳ hợp đồng ràng buộc nào. Cách đây 5 năm, bà Thu sang nhượng 3 sạp tại An Đông Plaza với giá lần lượt gần 2 tỉ đồng, 2,3 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng. Có một sạp ngay trong góc không ai thuê, bà thuê trả 25 triệu đồng/tháng. Từ trước Tết Nguyên đán, bà nhận thông báo đóng cọc cho 2 sạp bằng tiền mặt 156 triệu đồng, đóng tiền phí gian hàng hơn 52 triệu đồng, "trong khi từ sáng đến giờ chỉ bán được 2 quần jeans gần 600.000 đồng. Tình hình chợ búa sau Tết Nguyên đán còn ế ẩm, thê lương hơn nhiều. Mỗi ngày mở mắt ra không biết làm gì để có hơn 4 triệu đồng trả tiền thuê sạp. Chợ ế, giá thuê sạp tăng vọt hơn 25% so với giá thuê cũ. Chúng tôi khó khăn trăm bề nhưng không biết kêu ai", bà Thu nói với chúng tôi ngày 10.2.
Trao đổi với Thanh Niên, rất nhiều thương nhân đang kinh doanh tại An Đông Plaza bày tỏ lo lắng về việc tăng giá cho thuê sạp trong bối cảnh mãi lực tại chợ và các trung tâm thương mại rất yếu. Theo quan sát của chúng tôi, còn rất nhiều quầy sạp bán giày dép, áo quần, đồ lưu niệm tại trung tâm thương mại này vẫn đóng cửa nghỉ tết. Một số thương nhân cho biết ra mở hàng nhưng không ai mua, trong khi đó phải thuê nhân viên. Trả tiền thuê sạp, trả lương nhân viên, các chi phí sinh hoạt khác, tiểu thương không "gồng" nổi.
Chỉ cho thanh toán bằng tiền mặt
Không chỉ bức xúc vì giá thuê sạp tăng cao, nhiều tiểu thương ở đây còn lo lắng với thông báo gửi đến thương nhân từ Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza, do bà Trần Thị Thanh Thúy ký với chức danh Giám đốc An Đông Plaza. Thông báo này không có con dấu của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza mà chỉ có dấu vuông của Ban quản lý An Đông Plaza. Chưa hết, khi đóng tiền, các thương nhân bị từ chối chuyển khoản, Ban quản lý An Đông Plaza chỉ nhận thu bằng tiền mặt tại văn phòng.
Theo một số phiếu thu của thương nhân cung cấp, phiếu được in từ máy in trên giấy A4, có chữ ký người lập phiếu, người nộp tiền, thủ quỹ và không ghi tên. Mục kế toán trưởng và thủ trưởng đơn vị không có ký tên đóng dấu theo quy định. Trên mép trái phiếu thu có mộc vuông của Ban quản lý An Đông Plaza.
Không chỉ Ban quản lý An Đông Plaza từ chối nhận tiền thuê sạp bằng chuyển khoản, tại nhà hàng cà phê của An Đông Plaza ngay trước tiền sảnh tòa nhà này, chiều 10.2, khách vào ăn uống cũng được yêu cầu trả tiền mặt, không chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Hỏi thì nhân viên phục vụ cho biết đã thực hiện thu tiền mặt từ nhiều tháng qua và không giải thích. Trước đó, nhiều thương nhân và khách đi ăn tại nhà hàng Ngân Đình trên tầng 5 của Windsor Hotel Plaza (chung tòa nhà và cùng được quản lý bởi Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza) đều được yêu cầu trả tiền mặt, không chấp nhận trả qua thẻ.
Bà Thùy (Q.5, TP.HCM) cho biết trước Tết Nguyên đán bà và bạn bè ăn trưa tại nhà hàng này đã "té ngửa" khi thanh toán vì không ai mang tiền mặt, còn trả bằng thẻ thì không được chấp nhận. Năn nỉ không được, bà phải xuống tầng trệt rút tiền mặt lên thanh toán. "Quản lý nhà hàng nói rõ là thông cảm vì chuyển tiền vào tài khoản đang bị đóng, họ không nhận được tiền", bà Thùy cho biết. Chị Tâm, thương nhân tại đây, cũng cho biết bữa ăn tất niên của gia đình có hóa đơn hơn 4 triệu đồng, nhân viên yêu cầu thanh toán bằng tiền mặt. Chị không chịu, rất lâu sau đó nhà hàng cũng chấp nhận cho thanh toán bằng quẹt thẻ.
Chiều 10.2, tại nhà hàng của hệ thống này trên tầng 4, nhân viên phục vụ cho biết nếu đi đoàn khách lớn có thể thanh toán qua thẻ được. Khi được hỏi liệu nhà hàng có bắt buộc trả bằng tiền mặt không, nhân viên nói việc buộc khách phải trả tiền mặt diễn ra trước đây, tháng này có thể sử dụng cả 2 hình thức thanh toán.
Kiến nghị không tăng giá, có hợp đồng thuê dài hạn…
Ngày 10.2, theo thông tin từ các thương nhân tại trung tâm thương mại này, họ sẽ có buổi gặp mặt với Ban quản lý tòa nhà, thế nhưng phía văn phòng cho biết những gì cần thông báo, công ty đã gửi thông báo đến từng quầy và gặp từng chủ quầy nếu có nhu cầu trao đổi về giá cả cho thuê và chính sách cho thuê sạp mới. Trước đó, Giám đốc An Đông Plaza, bà Trần Thị Thanh Thúy có tổ chức buổi gặp gỡ trao đổi với các thương nhân - những chủ quầy sạp nhận thông báo liên lạc với công ty để nhận báo giá sang nhượng mới. Nhưng thực tế chỉ là thông báo cho thuê trong 6 tháng sau khi hết hạn hợp đồng sang nhượng 5 năm. Theo đại diện Ban quản lý An Đông Plaza, sẽ có mức giá cho thuê mới do cấp trên đưa xuống, lãnh đạo công ty và Ban quản lý trung tâm thương mại chỉ là người thực hiện. Chúng tôi cũng liên lạc qua điện thoại với Giám đốc Công ty An Đông Plaza, tuy nhiên, bà Trần Thị Thanh Thúy không nghe máy.
"Đóng tiền cọc và thuê sạp chỉ có phiếu thu, có chữ ký vậy thôi chứ không có tên. Đến bây giờ không biết Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông Plaza thu hay Ban quản lý An Đông Plaza thu tiền thuê của thương nhân. Không những thế, việc chỉ cho thuê ngắn hạn trong 6 tháng, lại rơi vào mùa mưa (từ tháng 4 - 9) không bán được hàng", một thương nhân kinh doanh ngành áo quần tại An Đông Plaza cho biết. Bà Lý Cẩm Nhung, kinh doanh giày dép, bức xúc: "Tăng giá thuê là việc không thực tế trong hoàn cảnh hiện nay. Thời gian cho thuê chỉ trong 6 tháng, công ty lại báo tăng tiếp hoặc không có bất kỳ điều gì bảo đảm cho chúng tôi kinh doanh an toàn. Chúng tôi đóng tiền thuê mà không biết tương lai đi về đâu. Kiểu cho thuê ngắn hạn thế này làm sao chúng tôi dám hợp đồng mua hàng trước?".
Trao đổi với Thanh Niên, các thương nhân kinh doanh tại đây nêu ra 3 yêu cầu: Thứ nhất, được thuê lại với thời gian dài hơn để chủ động trong mua bán kinh doanh, ít nhất là 5 năm, và có hợp đồng rõ ràng. Thứ hai, An Đông Plaza phải có số tài khoản để thương nhân thuê chuyển tiền vào, vì việc đóng tiền mặt với phiếu thu như vậy là thiếu minh bạch. Thứ ba, thị trường đang quá khó khăn, không nên tăng giá cho thuê lúc này, sẽ chặn đường phục hồi của thương nhân - những người đồng hành với An Đông Plaza từ lâu nay.
Bình luận (0)