Thương nhiều từ những cách xa

04/11/2021 12:59 GMT+7

Vậy là đã gần 5 tháng kể từ khi cô cháu gái nhỏ 9 tuổi của tôi về ngoại nghỉ hè, và bất đắc dĩ bị mắc kẹt lại do đợt dịch thứ 4 bùng phát.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát với diễn biến phức tạp buộc các tỉnh thành phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, ai ở đâu yên đó.

Dù chỉ cách nhau nửa giờ đồng hồ đi xe máy, nhưng nhà cháu và nhà tôi lại thuộc về 2 tỉnh, thành khác nhau. Việc đi lại nội tỉnh trong thời gian nhiều địa phương phải cách ly y tế vốn dĩ đã khó khăn, hẳn nhiên các tuyến đường liên tỉnh, việc kiểm soát sẽ càng bị siết chặt.

Cháu gái tôi học bài

Cháu đã trải qua kỳ nghỉ hè bất thường chưa từng có tiền lệ. Cũng là lần đầu tiên cô gái nhỏ phải vắng mẹ dài ngày. Nhưng gác lại niềm riêng, chị gái tôi nén lòng tạm sống xa con, tất cả là vì sự an toàn của cháu và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của địa phương và Thủ tướng Chính phủ.

Sức khỏe là trên hết

Cha thường xuyên đi làm vắng nhà, từ nhỏ, cháu gái tôi đã là một đứa bé vô cùng mến mẹ. Từ trước đến nay cháu chưa từng xa mẹ quá 3 ngày. Nói như vậy để thấy khoảng thời gian suốt mấy tháng vừa qua mà Covid-19 đã chia cắt hai mẹ con là những ngày dài đằng đẵng.

Nhưng trên tất cả, điều quan trọng nhất lúc này là sức khỏe. Trong nỗi bất an và sự xáo trộn về cuộc sống, đại dịch đã khiến mỗi người nghiêm túc nhìn nhận những giá trị thực sự quan trọng với mình.

HOÀNG DƯƠNG

Chính sức khỏe mới là tài sản, hơn bất kỳ của cải vật chất nào, là nền tảng của mọi giấc mơ. Mỗi ngày theo dõi thông tin báo đài, chứng kiến quá nhiều cuộc chia ly, chị gái tôi càng muốn bảo vệ đứa con gái nhỏ của mình, khi nơi chị liên tiếp xuất hiện nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, là điểm nóng hoành hành bởi Covid-19.

Nhà ngoại thuộc vùng xanh nên mọi sinh hoạt, đi lại được vận hành trong khuôn khổ bình thường mới. Ở đây, cháu gái tôi được gia đình tận tình chăm sóc, thương yêu hết lòng. Nhà ở nông thôn nên cháu được sống gần gũi với thiên nhiên, được dạy trồng cây, hái rau, đọc sách, được vui chơi cùng cậu em họ nhỏ... Đó cũng là một cuộc sống hồn nhiên và tích cực, khác với nhà cháu, vì ở khu vực gần chợ búa, dân cư đông đúc nên cả ngày dài chỉ sống trong chiếc hộp với bốn bức tường.

Thay đổi môi trường sống phần nào giúp tinh thần cháu gái tôi trở nên thoải mái hơn, trí tưởng tượng được kích hoạt; được tiếp xúc với ông bà, người thân, được lắng nghe, được trò chuyện hoặc giải đáp thắc mắc trực tiếp, cháu ngày càng trở nên năng động, hoạt bát, yêu đời.

Chuyện trò cùng mẹ

Gia đình là điều tuyệt vời nhất

Đại dịch khiến nhiều thói quen phút chốc thay đổi, nhưng cũng là khoảng thời gian kỳ lạ khi tình yêu thương được thoải mái và tự nhiên thể hiện giữa các thành viên trong gia đình.

Nếu trước đây, cháu gái tôi là đứa bé trầm tư, ít nói, hiếm khi bày tỏ cảm xúc với mẹ hoặc người lớn, thì bây giờ, qua những cuộc gọi “online” hoặc tin nhắn, cháu bắt đầu biết sống tình cảm, bày tỏ sự yêu thương nhiều hơn, biết hỏi han và quan tâm, biết chia sẻ những việc cháu làm hàng ngày cho mẹ nghe, trở nên tự lập khi biết tự vệ sinh cá nhân, biết thức dậy đúng giờ để tham gia lớp học trực tuyến.

Thời gian này tôi cũng phải làm việc tại nhà, vì vậy mà có thêm nhiều thời gian cho cháu. Tôi và em trai trở thành người phụ trách chính dạy cháu học, sau đó cháu được giảng giải nhiều thêm từ thầy cô qua màn hình trực tuyến. Đây chắc chắn sẽ là thời gian vô cùng đáng nhớ đối với gia đình tôi khi được cháu sống chung, không phải cảnh “cháu ngoại thì xa, cháu nội thì gần” như dân gian vẫn thường hát.

Lúc nào xong việc, có thời gian rỗi là tôi lại vào bếp. Rau củ nhà trồng được, tôi dẫn cháu ra vườn hái về. Bữa cơm gia đình giản dị nhưng lúc nào cũng ấm áp, tươi vui. Mọi người ai cũng rôm rả chia sẻ chuyện của ngày; bữa cơm như gắn kết mọi người thêm hơn, không còn những hối hả, vội vàng của những ngày bị guồng quay của cuộc sống quay tít.

Cháu gái ở đây, anh rể và chị gái tôi cũng được dịp gọi về hỏi thăm nhà với tần suất nhiều hơn trước. Cô bé như trở thành cầu nối để chúng tôi càng xích lại gần nhau, trân trọng những tháng ngày bình yên, chỉ đơn giản là còn được trông thấy và nghe giọng nói của nhau mỗi ngày.

Niềm hạnh phúc ấy là vô giá!

Chuyện trò cùng ba

Thương nhiều từ những cách xa

Thường xuyên ấp yêu, giảng giải và bày tỏ tình yêu thương với cháu, nhưng mẹ vẫn là người không ai hoặc điều gì có thể thay thế được đối với bất kỳ đứa trẻ nhỏ nào.

Từ trong những ngày xa cách, dù ở nhà ngoại có người cùng vui chơi, được ăn uống, học tập ngủ nghỉ theo thời gian biểu khoa học, được yêu thương và bao bọc an toàn thì vẫn không cách gì làm nguôi ngoai tình cảm và nhung nhớ của đứa con nhỏ đối với mẹ, khiến tôi nhiều khi vô cùng xúc động.

Tối ngủ cùng với cháu, nhiều đêm nghe cháu nói mớ, nụ cười hồn nhiên trong trẻo hẳn là trong mơ đã gặp một điều gì tươi vui. Chờ sáng hỏi lại, cô bé sung sướng đáp: “Con mơ gặp mẹ. Mẹ cười”.

Dù rất nhớ và thương con, vắng con chẳng còn tâm trí làm được gì, nhưng mỗi lần gọi, chị gái tôi lại chẳng dám nói chuyện cho lâu thật lâu. Chị sợ cứ nhìn con háo hức mong gặp mình, chị sẽ bật khóc.

Nhớ thương đong đầy là vậy, ấy mà một lần hỏi cháu: “Nếu bây giờ gặp mẹ, điều đầu tiên con làm là gì?”. Cứ tưởng cô bé sẽ bảo, “con sẽ chạy tới ôm mẹ”, thì bất ngờ, cháu gái tôi đáp: “Con sẽ nói mẹ xịt sát khuẩn và rửa tay”.

Từ trong đại dịch, một đứa trẻ cũng trở nên trưởng thành hơn, không còn ai vô tư, đã biết ý thức về sự an toàn chung của gia đình mà rộng ra là cộng đồng. Và chính loại vắc xin “ý thức” này là “tấm lá chắn” quan trọng trong thời điểm không ai đang đứng ngoài cuộc. Mỗi người phải biết sống vì mọi người.

HOÀNG DƯƠNG

Đại dịch, khiến một bé gái 9 tuổi như cháu gái tôi cũng phần nào biết nghĩ và từng ngày tổ chức lại cuộc sống của mình: Làm quen với những điều chưa từng trải nghiệm như học online, tập thích nghi trong một môi trường sống khác...

Chúng tôi đã có những ngày cùng nhau sống chậm, cùng nhau chuẩn bị bữa ăn vui vẻ, cùng động viên nhau xây dựng một cuộc sống lành mạnh mà sức khỏe và hạnh phúc luôn là những tiêu chí của sự phát triển được ưu tiên hàng đầu.

Và tôi nghĩ rằng tự mỗi người biết sống tích cực và lạc quan, cũng là pháo đài vững chắc để cùng nhau vượt qua Covid-19.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.