Cảm giác bình an được thở không khí trong lành sau gần một tháng điều trị bệnh Covid-19 tại Bệnh viện điều trị Covid-19 cơ sở 2 Thủ Đức (TP.HCM) nay được về nhà. Tôi mong mình nhanh phục hồi sức khỏe để tiếp tục làm công việc dỡ dang, là nối tay cùng Hội quán các bà mẹ nấu cơm hỗ trợ bữa ăn cho các y bác sĩ nơi các bệnh viện tuyến đầu, bởi khi bếp nhà đang đỏ lửa thì tôi bị dính F0 nên phải dừng công việc ấy lại để đi cách ly điều trị.
Tuyến đầu mong mỏi Sài Gòn bình yên |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Trở lại thời gian điều trị Covid-19 tại bệnh viện, tôi muốn ghi lại cảm xúc của một bệnh nhân khi chạm gần với cái chết và may mắn được trở về cuộc sống bình yên.
Thử tưởng tượng khi cả thành phố đang căng mình vì đại dịch, Sài Gòn trở thành một bệnh viện lớn, bệnh nhân ngày càng tăng, các y bác sĩ ướt đẫm mồ hôi trong bộ đồ bảo hộ chống dịch. Y bác sĩ làm việc không có khái niệm thời gian, sáng trưa chiều tối hay khuya khoắt, họ chạy đua theo từng hơi thở của bệnh nhân, họ tận lực giành giật sự sống của con người với tử thần mới thấy tấm lòng y đức của họ rộng lớn biết chừng nào!
Các y bác sĩ thường xuyên kiên nhẫn đối diện với vô số bất trắc cũng như nhu cầu của bệnh nhân lặp đi lặp lại hằng ngày, mà chỉ có tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái của những chiến sĩ áo trắng thầm lặng mới thật sự có được.
Những điều tốt đẹp ấy cứ diễn ra từng ngày, từng ngày, để lại dấu ấn sâu sắc trong tim tôi là những ánh lấp lánh niềm vui khi các y bác sĩ cứu được bệnh nhân qua cơn nguy kịch, cũng như trũng buồn thất vọng khi có người phải ra đi.
Tôi cố hình dung những gương mặt được che kín mít bởi tấm khẩu trang ấy để thầm gởi tấm lòng tri ân, ngưỡng mộ và cầu mong cho họ cùng những người thân yêu của họ luôn mạnh khoẻ, bình an.
Y bác sĩ thăm khám bệnh nhân Covid-19 |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Bên cạnh sự tận lực của các y bác sĩ từng giây, từng phút gồng mình để mang lại sự sống cho bệnh nhân, thì bữa ăn của bệnh nhân cũng là câu chuyện vô cùng ấm áp đối với tôi. Mỗi ngày bệnh nhân đều được ăn 3 bữa. Trước giờ ăn, các tình nguyện viên đến từng giường bệnh hỏi bệnh nhân muốn ăn cơm hay ăn cháo, buổi sáng có khi còn được thay cháo bằng món hủ tiếu hay bún nước lèo.
Hình như có một cái gì đó thật là dịu ngọt của lòng nhân ái lan tỏa trong từng hộp cơm từ thiện, trong từng ly mì ăn liền nóng hổi, thơm lừng lúc nửa đêm, trong những hộp sữa dinh dưỡng dành cho bệnh nhân không khỏe.
Có trực tiếp tham gia hỗ trợ bếp ăn y tế nơi tuyến đầu mới thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa vô cùng cao quý, tinh thần trách nhiệm và sự vất vả của các nhóm hậu cần, các nhà hảo tâm, từ khâu lo vận động nguồn tài chính cho đến việc chuẩn bị nguyên liệu, tính toán để có những suất ăn nghĩa tình đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để mong cho các y bác sĩ có đủ sức khỏe chiến đấu với đại dịch Covid-19.
Nhất là khi cuộc chiến chống dịch còn kéo dài và nguồn cung cấp thực phẩm không được thuận lợi, thì bếp ăn lại càng khó khăn hơn, phải nỗ lực từng ngày mới phân phối đủ những suất cơm nghĩa tình, mà trong đó gói trọn tình thương yêu từ những tấm lòng nhân ái và tình cảm của người Sài Gòn đóng góp sẻ chia.
Là người trực tiếp tham gia bếp ăn phục vụ bữa ăn cho y bác sĩ các bệnh viện tuyến đầu như một đóng góp chút nghĩa tình của mình vào công cuộc cùng Sài Gòn chung tay chống dịch, nay trở thành bệnh nhân nhiễm Covid-19, tôi thật sự quá xúc động và vô cùng tri ân khi mỗi ngày được nhận những suất cơm ấm áp đong đầy nghĩa tình.
Những suất cơm ấm áp đong đầy nghĩa tình ấy, thực đơn được thay đổi trong từng bữa ăn, được ăn một muỗng cơm là thọ nhận tất cả tâm sức của các mẹ, các chị, các anh em, những nhà hảo tâm, những chiến sĩ hậu cần thầm lặng gói ghém yêu thương tiếp năng lượng sống trong từng bữa ăn cho các y bác sĩ tuyến đầu, các tình nguyện viên và các bệnh nhân tại các bệnh viện.
Y bác sĩ hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 ăn uống |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Lại có những công việc tưởng là nhỏ bé nhưng mang một tình người vô cùng to lớn từ tấm lòng nhân ái của các nhân viên y tế, tình nguyện viên phục vụ các bệnh nhân không tự chăm sóc mình được, như giúp cho họ ăn uống, đại tiện, tiểu tiện, làm vệ sinh tại chỗ, những công việc mà chỉ có con cái làm cho cha mẹ, hoặc những người thân làm cho nhau; thì nơi đây đang có những tấm lòng nhân hậu, những đôi tay ấm áp tình người sẻ chia.
Đại dịch Covid-19 đã để lại cho nhân loại bài học quý giá về tình người, sự đoàn kết và cảm thông sâu sắc.
Điều đọng lại khiến tôi nhớ mãi là những đối xử đầy tinh thần trách nhiệm và nhân văn giữa người và người lúc hoạn nạn, như một liều thuốc tâm hồn kết nối từ trái tim đến trái tim giúp cho tâm trạng mỗi người bình tĩnh, lạc quan để đồng hành vượt qua dịch bệnh.
Với tôi, quê hương là nhà, là chiếc nôi quê mẹ ấm áp lung linh tình cảm “lá lành đùm lá rách” không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, chủng tộc.
Sài Gòn là mái ấm nuôi dưỡng những trái tim nhân ái, hào phóng và kiên cường của người Việt Nam. Chắc chắn quê hương sẽ sớm bình yên, cuộc sống mọi người mọi nhà sẽ nhanh chóng trở lại bình thường.
Tinh thần “tương thân tương ái” là thông điệp tình người kết nối sức mạnh của hàng triệu con tim yêu dân tộc mà không mua được bằng tiền.
Chiến thắng dịch bệnh, tôi như được hồi sinh trong vòng tay nhân ái đong đầy tình người Sài Gòn bao dung.
Sài Gòn ơi, ta mang ơn em!
Y bác sĩ đến từng phòng phát cơm cho bệnh nhân Covid-19 |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Hỗ trợ bệnh nhân vệ sinh hằng ngày |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Lau dọn phòng bệnh |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Giúp bệnh nhân trong các việc đại tiện, tiểu tiện |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Thu dọn rác thải sau các bữa ăn của bệnh nhân Covid-19 |
HỒ ĐẮC THIẾU ANH |
Bình luận (0)