Tui nhớ chú ba Kha là một người ở đâu đó trôi dạt về vùng đất quê tui rồi dựng cái chòi nho nhỏ bên sườn núi.
Hồi đấy con đường từ lộ vô xóm mỗi khi mưa chừng ba ngày là dẻo quánh, vậy mà chú luôn gánh giùm lúa cho mấy bà, mấy cô đi xay. Cứ đi một bước là rút chân rất nặng nề lên từ bùn nhão một bước… Chú bảo: "Tui trôi sông lạc chợ nhưng tui cắm chân nơi này rồi vì bà con tốt với tui quá! Đừng hỏi tui ở đâu tới, làm chi!".
Đấy là chú ba Kha - người “trôi sông lạc chợ” mà nói như vậy, thử hỏi...!?
...
- "Nó dìa hầu (hồi) sáng sớm nè, mồ cha nó, không có báo trước gì hết để biết mà dặn bà Hai mấy con cá ồ trụng cho nó cuốn bánh tráng, rau thơm quày (ngoài) hè đầy, tha hồ cho nó ăn nhọn mỏ!”
Má tui hay khoe rổn rảng với hàng xóm vậy mỗi khi từ xa tui về.
Cá ồ trụng thịt tươi giòn, trắng ngà, mùi thơm rất riêng - mang nhớ đi xa. Về đúng mùa hè tầm tháng sáu tha hồ mà cuốn, quê tui cuốn một cuốn bánh to bằng cổ tay, khi ăn phải cắn kiểu chữ V thì mới vừa cái miệng, ngộ lắm!
Khi bạn đi ngang qua miền Trung trên quốc lộ 1A đoạn cầu Đà Rằng là bạn đã đến quê tui rồi đấy!
Phú Yên hiền hòa có cánh đồng trải dài vàng ươm khi bạn đi từ tháng ba hoặc tháng tám. Rẽ ngoặt lên hướng Tây nguyên, song song theo tỉnh lộ 29 là con mương dẫn thủy từ nguồn về mát rượi. Hai bên bờ ta-luy được xây bằng đá chẻ thẳng băng.
Tui thường nhớ hồi mới lớn đi làm nông giang (đắp bờ mương) thay cho má tui bịnh, nhà nghèo chỉ có cơm độn và miếng muối ớt trong lá chuối. Buổi trưa lúc dòm qua phần cơm của mấy người kia tôi cũng đỡ tủi: “nẫu cũng như mình thôi”. Ai ngon thì có thêm con cá bống kho rim mặn cứng, hoặc chút cua đồng nướng, muối mè. Thương đều, nên sau này tới trưa thì ai có gì cứ bỏ chung ra mà ăn không còn giấu giếm cái nỗi "riêng mang"...
Nắng ở quê tui nó háo lắm, cứ nhè vào mảng lưng con gái của bọn tui mà tặng cho miếng "cơm cháy" vắt ngang. Kệ! Ráng cấy đi, nụ cười sẽ rạng rỡ khi đồng vụ được mùa và khi gánh hát trong Sài Gòn về, đưa tiền xong là được hiên ngang bước qua cái cây gạt chắn lối vào bên trong, lòng phơi phới... quên đi cái cảm giác tiếc nuối vì không coi trọn hết tuồng cải lương Dốc sương mù… hay buồn vì rách cái quần do chun (chui) qua “lỗ chó”!
|
Tôi nhớ hồi đấy mỗi khi mùng năm ngày tết má đi cáp thịt heo, sau khi nghe tiếng con heo eng éc "đi thay kiếp" vài giờ thì má tui đon đả bưng cái thúng về, trong đó chừng hai ký thịt, ba ký xương và phần bộ đồ lòng. Má bày ra cái nia lớn giữa sân rồi tính xem sẽ làm gì, nấu gì cho ngon trước cúng ông bà sau cho tụi tui ăn một bữa đã đời, tui đâu biết rằng số thịt cáp đấy tới vụ sẽ đong lúa cho người nuôi heo, tính lúa mười ra mười hai nhưng vui vẻ cả làng, chứ tiền đâu mà đưa!
Quê tôi giờ tươi mới lắm… cuộc sống tốt hơn rồi nên đầy tháng hay hấp hôn gì cũng mang phần náo nhiệt như đám cưới.
Nhắc đám cưới lại nhớ. Hồi xưa trong xóm có chú ba Công trang trí cái cổng rạp bằng lá dừa khéo lắm, hai bên chú thắt hình hai con chim gắn vô rồi làm chữ song hỷ bằng giấy màu đỏ chính giữa thật to. Thủ công tui cũng khá nên được mượn cắt hình cô dâu chú rể. Nhưng có một lần tổ không đãi hay sao mà tui cắt hoài cũng không ra dáng cô dâu, lần đấy tui không hài lòng về mình và niềm "kiêu hãnh" trong tôi tắt ngúm dù bà con xóm tui xuề xòa lắm, vẫn khen thiệt tình:
- Sao mà giúng (giống) y bài được chớ, dẫy (vậy) là qua (hoa) tay lắm rầu (rồi)!
....
Dòng sông Ba êm đềm mang phù sa bồi đắp cho cánh đồng màu mỡ, chỉ một dòng sông mà tới bốn cây cầu bắc qua nối liền hai bờ xanh ngát.
Tháp Nhạn vững chãi nhìn về biển Đông xanh màu trùng khơi đầy tôm cá. Có khi được mùa cá cơm, má tui cũng mua một thạp đầy về để ủ mắm. Mắm cá cơm màu nhạt, thơm lừng, ăn cục cơm nguội với chút mắm nhỉ cũng ngon quá chừng chừng!
Nhớ nhất là cái tính dần lân - dần lân kiểu đậm chất miền Trung là “việc không ai mượn mà cũng làm”, vậy mới lạ đời!
Đám giỗ xong bưng qua nhà lân cận một mâm mà không nhận là giận à nghen!
Từng thế hệ, lớp người luôn đầy nhiệt huyết. Cơ bản là cần cù, chân chất, có phần tiết kiệm với bản thân nhưng rộng lòng bè bạn.
Bằng chứng đây chớ đâu:
- Nè, bán chịu con gà nấu cháo, đở (để) mai tao đi chặt mía mướn, dìa (về) tao trả, nghen. Nhà đương có khách!
Vậy đấy!
Tha hương vì nhiều lẽ nhưng trong tôi vẫn luôn mong ngày trở về nơi chốn cũ.
|
Bình luận (0)