Thượng tá bị trêu 'có bồ trong Nam' vì 3 lần xung phong đón dân về quê

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
16/10/2021 13:12 GMT+7

Cả 3 lần Quảng Trị tổ chức đoàn vào miền Nam để đón dân về quê, thượng tá Lê Mạnh Hùng (Phó phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị) đều xung phong tham gia và giữ vai trò phó trưởng đoàn… đến mức bị trêu 'có bồ trong miền Nam'.

Thương hiệu “Hùng Sạn”

Ngoài cái tên cha sinh mẹ đẻ đặt cho là Lê Mạnh Hùng, vị thượng tá CSGT này còn được nhiều người biết đến với biệt danh “Hùng Sạn”. Ở TP.Đông Hà, cái tên “Hùng Sạn” rất đỗi thân thuộc…

Gặng hỏi mãi, thượng tá Hùng mới “bật mí” thời mới vào ngành công an, anh từng công tác ở trại giam, quản lý việc lao động của các phạm nhân ở bãi cát sạn. “Ban đầu chỉ một vài người gọi để phân biệt với 1 vài đồng đội tên Hùng khác ở trong đơn vị. Nhưng về sau, nhiều người biết, cứ gọi tôi là “Hùng Sạn”. Tôi thấy cũng không có gì xấu, nên thuận theo tự nhiên”, thượng tá Hùng nói.

Thượng tá Hùng (thứ 2 từ trái qua) cùng bạn bè tham gia ứng cứu người dân TP.Đông Hà những ngày lũ lụt năm 2020

Thanh Lộc

Ngoài là một CSGT công tác lâu năm tại Đội CSGT (Công an TP.Đông Hà) rồi sau đó giữ chức Phó trưởng công an thành phố này, thượng tá Hùng đã làm nên “thương hiệu” của mình bằng rất nhiều việc làm nghĩa tình, được nhân dân và các cấp lãnh đạo ghi nhận.

Cụ thể, rất nhiều gia đình gặp tai nạn giao thông đã được anh giúp đỡ, đứng ra vận động kinh phí hỗ trợ những nạn nhân bị tật nguyền sau tai nạn hoặc hỗ trợ gia đình họ khi lâm cảnh mất người thân. Mùa lũ kinh hoàng của Quảng Trị năm 2020, ngoài trực tiếp tham gia công tác phòng chống bão lũ, ứng cứu người dân cùng đồng đội, thượng tá Hùng cũng là “đầu mối” của rất nhiều hàng quà cứu trợ của bà con trong cả nước gửi về Quảng Trị, với trị giá hàng tỉ đồng. Anh đã cùng bè bạn, hội nhóm của mình tổ chức phương tiện, từ ca nô, xe bán tải…để vào những khu vực khó đi nhất, phát quà, phát tiền thậm chí xây nhà cho bà con vùng lũ.

Năm 2021, khi Covid-19 hoành hành, thượng tá Lê Mạnh Hùng lại được nhiều người nhắc đến tên anh khi là người duy nhất có tận 3 lần xung phong vào Nam đón người dân Quảng Trị về quê…

Phút nghỉ ngơi bên đường ray xe lửa ở ga Dĩ An (Bình Dương) của thượng tá Hùng

BIÊN CƯƠNG

Xung phong đi chỉ vì… quen việc

Còn nhớ, sáng 26.7, khi tỉnh Quảng Trị tổ chức 1 buổi lễ tiễn đoàn công tác đặc biệt vào miền Nam đón gần 400 người dân Quảng Trị về quê, có 17 người xung phong lên đường. Trưởng đoàn là ông Lê Nguyễn Hồng (Giám đốc Sở LĐ-TB-XH) và phó đoàn là thượng tá Lê Mạnh Hùng (Phó phòng CSGT, Công an tỉnh Quảng Trị). Đây là đoàn đầu tiên vào Nam và thời điểm đó, việc đưa đón dân về chưa có tiền lệ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tặng hoa tiễn đoàn đầu tiên của tỉnh Quảng Trị vào Nam đón người dân về quê

nguyễn phúc

Sang đợt thứ 2, đoàn công tác của UBND tỉnh Quảng Trị thành lập vào miền Nam đón hơn 500 bà con trở về bằng tàu hỏa tại các ga Sài Gòn, Dĩ An, Long Khánh… vẫn tiếp tục có tên của thượng tá Lê Mạnh Hùng với chức vụ phó đoàn. Chưa hết, trưa 14.10, trên chuyến xe đoàn cán bộ Quảng Trị di chuyển vào miền Nam đón người dân về quê tránh dịch đợt thứ 3, anh Hùng vẫn “cố thủ” với vị trí cũ.

“Theo phân công của Ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị, phải có lãnh đạo Phòng CSGT đi cùng, hỗ trợ các tình huống xảy ra trên đường cũng như việc đưa đón người dân. Lãnh đạo phòng CSGT nhiều người muốn tham gia, nhưng sau đợt 1, cả 2 đợt sau tôi đều xung phong “tranh” đi vì tôi nghĩ mình đã quen việc”, thượng tá Hùng cho biết.

Một cụ già và em bé quê Quảng Trị chờ được lên tàu về quê

Biên Cương

Cái sự “quen việc” mà thượng tá Hùng nói là có… lý bởi sau lần đầu hơi bỡ ngỡ thì các lần sau anh hẳn sẽ có kinh nghiệm hơn trong việc phối hợp với trưởng đoàn cũng như các thành viên trong đoàn xử lý êm đẹp các tình huống.

Hẳn đoàn công tác đợt 1, sẽ không quên hành trình đưa cô sinh viên khuyết tật Trương Thị Nhỏ Lệ (quê xã Triệu Trạch, H.Triệu Phong) từ TX.Dĩ An (Bình Dương) lên ga Sài Gòn, mà ở đó nếu không có bè bạn của thượng tá Hùng, chắc chắn cô sinh viên bé nhỏ sẽ trễ tàu. “Nhờ việc gì chứ nhờ việc nghĩa tình như đưa đồng bào về quê thì ai mà không giúp, miễn là trong khả năng của họ và không vi phạm các quy định chống dịch”, thượng tá Hùng kể.

Niềm vui của người dân Quảng Trị khi được về quê bằng tàu hỏa

bá cường

Người ta trêu tôi “có bồ” trong miền Nam

Công việc vào vùng dịch đón người dân về quê là một nhiệm vụ có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, kèm theo đó là chuỗi ngày cách ly tập trung dài dằng dặc tại địa phương khi hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nên, việc xung phong đi 1 lần, rồi 2 lần và đến lần thứ 3… thì cả Quảng Trị chỉ có đúng thượng tá Hùng.

Trước khi lên xe cùng đoàn công tác vào Nam đón dân Quảng Trị hồi hương lần thứ 3, thượng tá CSGT này vẫn còn nhắn tin kèm biểu tượng mặt cười với tôi, rằng: “Người ta trêu tôi là có bồ ở trong miền Nam thì mới vô ra nhiều lần trong giai đoạn này rứa. Có người còn “mạnh dạn” ghẹo tôi… có con ở trỏng rồi, nên tranh thủ vào thăm”.

Tôi nói là anh đang nói chơi chứ tôi hỏi thật là anh đi kiểu vậy vợ con có nhằn không. Thượng tá Hùng nói đi "mút mùa" như anh thì có cô vợ nào mà không nhằn, có đứa con nào không nhớ. “Nhưng biết tính tôi thế rồi, cô ấy cũng ủng hộ. Thú thật, đi làm nhiệm vụ đưa đón bà con thì không ngại, nhưng thời gian cách ly tập trung sau đó đúng là hơi oải, cũng nhớ vợ, nhớ con”, thượng tá Hùng thổ lộ.

Thượng tá Hùng (giữa) chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác đầu tiên vào Nam đón người dân về quê trước ga Đông Hà

thanh lộc

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 128, quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nên có lẽ đợt 3 này sẽ là lần cuối cùng tỉnh Quảng Trị cử đoàn vào Nam đón dân hồi hương. May mắn cho bà con và cũng may mắn cho thượng tá Hùng, việc bị “trêu ghẹo” vì kỷ lục 3 lần xách va li vào Nam sẽ không tăng thêm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.