“Tiết kiệm được bao nhiêu thì vui bấy nhiêu”
“Cũng phải ráng tằn tiện, tích góp sao cho năm ngoái 4 phần thì năm nay cũng được 2 để thầy cô có tiền lo tết cho gia đình”, ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (Q.6, TP.HCM) chia sẻ về khoản chi kết dư cuối năm ở trường học.
Ông Đinh Phú Cường cho hay giáo viên (GV) không có quy định tiền thưởng tết hay lương tháng thứ 13 như các công ty, xí nghiệp. Thông thường, hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, GV, nhân viên sẽ có khoản tiền thu nhập tăng thêm. Khoản này phụ thuộc vào kết dư mỗi năm của từng trường nên GV mỗi trường nhận các mức khác nhau.
Năm nay, do tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập tăng thêm cuối năm của giáo viên không thể bằng những năm trước |
ĐÀO NGỌC THẠCH |
Theo ông Cường, nhà trường có 2 nguồn tài chính là ngân sách nhà nước và các khoản thu khác như tiền học 2 buổi, tiền bán trú… Sau khi thực hiện các khoản chi, trích lập quỹ theo quy định, tiết kiệm các khoản chi khác, số còn lại sẽ chi thu nhập tăng thêm cho GV, người lao động vào dịp tết. Tuy nhiên, năm nay, do dịch bệnh kéo dài, học sinh ngừng đến trường, nhà trường không tổ chức dạy trực tiếp nên không có các khoản thu như tiền bán trú, học 2 buổi… nên nguồn thu không có. Vì vậy thu nhập tăng thêm cuối năm của GV không thể được như những năm trước.
Căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ đã được thống nhất trong hội nghị cán bộ viên chức, từng cơ sở giáo dục sẽ thực hiện cho GV, công nhân viên trong trường. Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Luông cho hay tiêu chí để phân chia mức thu nhập tăng thêm này thường phụ thuộc vào công sức đóng góp và nỗ lực của cá nhân trong một năm.
Ông Trần Văn Luyện, Hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng (Q.5, TP.HCM), cũng cho hay: “Tiết kiệm được bao nhiêu thì vui bấy nhiêu vì thực tế trường học đâu có quy định thưởng tết, lương tháng 13. Tính chung quỹ phúc lợi và thu nhập tăng thêm, từ hiệu trưởng cho đến GV nhận gần 5 triệu đồng, chênh lệch nhau không đáng kể”.
Trông chờ vào ngân sách
Còn hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) thì cho biết hiện nhà trường còn đang chờ ngân sách TP cấp bù học phí công lập, nếu có thì mới có thể tính toán, chi “chút chút” cho GV để có khoản tiền tết. Vị hiệu trưởng này cho hay năm nay trường học đóng cửa, không hoạt động trực tiếp một thời gian dài, không tổ chức bất cứ hoạt động gì nên không có khoản thu như những năm trước, do đó tất cả trông chờ vào ngân sách cấp. Trong trường hợp ngân sách kịp cấp trước tết thì tính ra GV cũng có khoản tăng thêm từ 4 - 6 triệu đồng, tùy theo bậc lương. “Nếu so với những năm học trước thì mức này chưa bằng một nửa”, vị hiệu trưởng này nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết trong tuần này nhà trường thông báo hệ số, bảng tính khoản thu nhập cuối năm để GV nắm thông tin, đồng thời có thắc mắc gì thì ban giám hiệu sẽ giải đáp cụ thể trước khi công bố chính thức.
Theo bà Châu, sau khi thực hiện các công tác tài chính, thu chi theo quy định thì số dư tiết kiệm còn lại nhà trường sẽ tính toán phân chia cho mỗi thành viên một khoản thu nhập tăng thêm cuối năm. Ban giám hiệu sẽ không để có sự chênh lệch lớn nên người cao nhất so với người thấp nhất chỉ cách nhau khoảng 1 - 2 triệu đồng. Trong đó, 50% số tiền dư sẽ chia đều cho hiệu trưởng đến GV, nhân viên; 50% còn lại mới chia theo hệ số. Công thức này đã được thực hiện từ nhiều năm trở lại đây. Nói về khoản thu nhập năm nay, bà Hồng Châu cho hay: “Số tiền mỗi thành viên sẽ nhận chỉ bằng một nửa năm trước do nhà trường không hoạt động, không có khoản thu để tiết kiệm”.
Tương tự, do chỉ trông chờ vào số dư tiết kiệm từ ngân sách nên hiệu trưởng một trường tiểu học tại H.Bình Chánh (TP.HCM) cho hay: “Đang cố gắng để GV được nhận khoản tiền cuối năm tương đương với một tháng lương cơ bản để thầy cô nấu nồi thịt kho, sắm sửa bộ đồ mới cho con cái. Năm nay dịch bệnh kéo dài nên mọi nguời cùng phải cố gắng vượt qua”. (Còn tiếp)
Bình luận (0)