Hiện một số trường đã công bố kế hoạch thưởng tết cho giáo viên với mức thưởng khác nhau. Dù được thưởng tết ít hay nhiều, tất cả thầy cô đều mong chờ có thêm ít tiền để mua sắm tết.
Không có quy định chung
Từ khi thực hiện chế độ khoán tài chính cho các trường, việc chi tiêu được hiệu trưởng (chủ tài khoản) lên kế hoạch theo quy chế chi tiêu nội bộ. Quy chế này được thông qua ở hội nghị viên chức, người lao động vào đầu năm học. Theo đó, trường tập trung cho việc trả lương và các hoạt động phục vụ việc dạy - học với tinh thần thật tiết kiệm để cuối năm có dư thưởng tết cho thầy cô giáo. Việc thưởng tết mỗi trường, mỗi vùng miền khác nhau tùy vào tiền "tiết kiệm chi" còn nhiều hay ít và cũng không có quy định phải bắt buộc chi. Do đó, cuối năm trường có thưởng tết, trường thì không là vậy.
Đồng nghiệp của tôi công tác tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Vĩnh, thuộc huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa. Đa số học sinh nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, đời sống còn nhiều khó khăn. Giáo viên này cho biết thầy cô ở trường nói riêng, huyện Khánh Vĩnh nói chung nhiều năm liền không có thưởng tết như ở dưới xuôi. Tết đến, học sinh tặng thầy cô củ khoai mới lấy trên rẫy (nương) về, con gà đang tập gáy, cân thịt heo đen nuôi dưới sàn nhà..., rất ấm áp tình người.
Còn thầy cô công tác ở vùng đồng bằng may mắn hơn cuối năm cũng thêm được ít tiền thưởng tết. Tết năm 2023, tôi rất vui vì nhận được số tiền thưởng kha khá 3.600.000 đồng, nhiều hơn đồng nghiệp một số trường trong cùng một huyện (Diên Khánh) để lo sắm tết. Còn năm nay 2024, nhà trường đang tổng kết chi – tiêu nên chưa thông báo mức tiền thưởng tết từ tiền tiết kiệm chi.
Có trường tiền triệu, tiền trăm, có trường không đồng nào
Tại sao thầy cô trường này có thưởng tết, trường khác lại không? Theo hiệu trưởng một số trường, việc thưởng tết cho giáo viên không phải là quy định bắt buộc mà tùy vào mỗi trường. Sau khi chi cho các hoạt động giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, trả lương cho thầy cô giáo..., cuối năm nếu còn dư ít nhiều thì chia cho giáo viên, nếu không thì thôi.
Giáo viên công tác ở miền núi, do điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nên ngân sách chủ yếu là để trả lương cho thầy cô, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học còn không đủ thì còn tiền đâu mà thưởng tết.
Thông tư số 71/2014/TTLT-BTC-BNV quy định về sử dụng kinh phí quản lý hành chính tiết kiệm được như sau: Kết thúc năm ngân sách, sau khi hoàn thành các nhiệm vụ được giao, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có số chi thực tế thấp hơn số dự toán được giao về kinh phí thực hiện chế độ tự chủ thì phần chênh lệch này được xác định là kinh phí tiết kiệm. Kinh phí này được sử dụng cho các nội dung sau: Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức và người lao động.
Như vậy, tiền thưởng tết cho giáo viên là tiền thu nhập tăng thêm do tiết kiệm chi mà có và thường vào cuối năm âm lịch, nên giáo viên hay gọi "tiền thưởng tết" là vậy. Tuy nhiên, việc thưởng tết mỗi trường, mỗi địa phương lại khác nhau, có trường tiền triệu, tiền trăm, còn có trường không đồng nào.
Thưởng tết "đồng giá", tại sao không?
Một thành viên trong Hội đồng quản trị trường chúng tôi công tác đang hướng đến việc thưởng tiền tết "đồng giá". Điều này đồng nghĩa trường đang muốn "làm mới" về việc thưởng tết với số tiền bằng nhau của những người cơ hữu, từ các cô lao công, nhà bếp, bảo vệ, nhân viên văn phòng, giáo viên đến hiệu trưởng.
Vì sao cần thưởng tết "đồng giá"? Hằng tháng, mỗi bộ phận, chức vụ nhận tiền lương không giống nhau. Có người lương cao, có người chưa cao, đó là điều dễ hiểu. Tùy vào vị trí, năng lực… nên mức lương khác nhau. Vì vậy, cũng cần lắm việc thưởng tết "đồng giá" để mọi người đều được nhận "lương" một lần giống nhau.
Việc thưởng tết "đồng giá" rất ít đơn vị thực hiện. Nhưng nếu thực hiện, đó cũng là dịp để tri ân sự cống hiến giống nhau cho tập thể. Dù cô chú lao công, bác bảo vệ nhưng họ cũng là thành viên quan trọng đối với tập thể, họ cũng làm việc và cống hiến hết mình bằng khả năng, đặc thù công việc của mình. Một tập thể không thể thiếu những người lao động thầm lặng này.
Chẳng hạn Trường ĐH Công thương TP.HCM đã thực hiện thưởng tết "đồng giá" trong nhiều năm qua. Điều này khiến cho những người lao động thầm lặng (bảo vệ, lao công…) cảm thấy vui, phấn khởi và rất tự hào khi được những người đứng đầu của trường quan tâm, sẻ chia và trân trọng những gì người lao động cống hiến. Thầy hiệu trưởng đã có những hành động thiết thực khi nghĩ về những người lao động chân tay với khoản thu nhập hàng tháng có phần khiêm tốn.
Thưởng tết "đồng giá" là việc làm có ý nghĩa để giúp người lao động bớt phần nào nhọc nhằn vì cơm áo gạo tiền, giúp họ yên tâm làm việc và cống hiến hết mình vì tập thể. Thưởng tết "đồng giá" có ý nghĩa như vậy nên "mô hình" này có thể được nhân lên, lan tỏa những giá trị nhân văn trong cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.
Có nên quy định dành riêng một khoản cho việc thưởng tết giáo viên?
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Đây cũng là điều được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm trong việc cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khi thực hiện chính sách tiền lương mới vào ngày 1.7.2024, các cơ sở giáo dục có điều kiện hơn để chăm lo đến đời sống của giáo viên, cũng như việc thưởng cho giáo viên để động viên, khích lệ tinh thần đối với các nhà giáo, nhất là vào các ngày lễ, tết cổ truyền dân tộc và để thầy cô nào cũng có tiền thưởng tết.
Vì vậy, nên chăng trong tổng số ngân sách cấp cho giáo dục, cần quy định dành riêng một khoản cho việc thưởng để giáo viên trên cả nước đều có chút động viên tinh thần khi tết đến, xuân về.
Bình luận (0)