Cảm giác khi tiếp xúc với một người thường hay đổ lỗi như vậy chắc chắn là không mấy dễ chịu nhưng rõ ràng là, cuộc sống luôn có những người hay đổ thừa như thế.
Người đổ lỗi cho số phận không may khiến mình nghèo mãi. Người đổ lỗi cho xã hội không tốt đẹp khiến mình tiêu cực. Người đổ lỗi cho công ty được vận hành bởi những kẻ bất tài nên bản thân không phát triển được. Và phổ biến nhất là những người đổ thừa “cha mẹ sinh con trời sinh tính”...
Những người thích đổ vấy cho người khác vì sợ nhận trách nhiệm (cho một sai lầm nào đó), sợ ảnh hưởng đến quyền lợ, uy tín, ảnh hưởng đến mối quan hệ (giữa sếp và nhân viên chẳng hạn). Những người thích đổ lỗi ít khi gặt hái thành quả tốt đẹp và thiện cảm từ người khác, bởi thay vì tìm nguyên nhân để tránh lặp lại sai lầm và tìm giải pháp để khắc phục, hoàn thiện mình, họ lo tìm lý do và đối tượng để đổ thừa, để bản thân ít liên lụy hoặc gánh chịu hậu quả nhất. Đổ lỗi cũng là cách những kẻ bất tài, thiếu bản lĩnh thường viện đến.
Cái lợi trước mắt mà những người thích đổ lỗi nhận được là tránh bị quy trách nhiệm trước sự cố. Tuy nhiên, trong mắt người khác, họ chỉ là những kẻ vô trách nhiệm và không đáng tin cậy. Chẳng ai dám cộng tác với một kẻ sẵn sàng đổ vấy cho đồng đội khi bất trắc.
Ngoài ra, đổ lỗi cũng là một kiểu “dìm hàng” người khác, khi vạch ra cái sai của đối phương, họ cũng đồng thời đặt mình ở vị trí cao hơn. Đây cũng là những kẻ dối trá bởi họ luôn tìm cách che giấu sự thật, nếu không, bản chất họ sẽ lộ diện.
Đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác là cách đơn giản nhất để “đánh bóng” mình, nhưng cũng là cách nhanh nhất để phá hỏng hình ảnh cũng như giá trị bản thân.
Bình luận (0)