Thưởng tiền cho người tố giác vi phạm giao thông, có lo lạm dụng?

07/01/2025 08:48 GMT+7

Việc thưởng tiền cho người cung cấp thông tin sẽ khích lệ người dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại xảy ra tình trạng lạm dụng.

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 176/2024 quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách.

Theo nghị định, cá nhân, tổ chức sẽ được hỗ trợ tiền nếu cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông. Mức chi cho mỗi vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt, tối đa 5 triệu đồng.

Thưởng tiền cho người tố giác vi phạm giao thông, có lo lạm dụng?- Ảnh 1.

Lực lượng công an phối hợp kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông

ẢNH: HOÀNG TUÂN

Sớm có cơ chế trả "tiền thưởng"

Đại diện Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết, việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh từ người dân để xác minh, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ vốn đã được thực hiện trong thời gian qua. Nhờ nguồn thông tin này, lực lượng CSGT đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm.

Đối với cơ chế chi trả tiền cho người cung cấp thông tin theo Nghị định 176/2024 và tiêu chí xét chi trả cho từng nội dung, các cơ quan liên quan sẽ sớm quy định cụ thể trong các văn bản hướng dẫn thực thi.

Thưởng tiền cho người tố giác vi phạm giao thông, có lo lạm dụng?

Nói về quy định chi tiền thưởng cho người cung cấp thông tin vi phạm giao thông, TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) kỳ vọng sẽ tạo động lực để người dân tích cực tham gia vào công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông hơn nữa.

Theo ông Tạo, bản chất của cơ chế trên "không phải dùng tiền để kêu gọi tố giác", bởi trước nay không có việc trả tiền thì vẫn có rất nhiều người đã cung cấp thông tin. Việc chi hỗ trợ là nhằm động viên người cung cấp thông tin, qua đó cũng gián tiếp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Cùng bày tỏ sự ủng hộ, song luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ để tránh xảy ra tình trạng lạm dụng.

Ông Hùng nhận định, mục đích khi Nhà nước quy định cơ chế chi tiền là để khích lệ những người cung cấp thông tin vi phạm, qua đó giúp cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, xử lý. Quy định này sẽ thực sự ý nghĩa nếu việc phát hiện, tố giác xuất phát từ quá trình tham gia giao thông hoặc vô tình chứng kiến vi phạm; động cơ tố giác là nhằm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngược lại, nếu coi đây là một "nghề" để chuyên đi "săn" hình ảnh vi phạm, mục đích tốt đẹp của nghị định sẽ bị méo mó. Lúc ấy, người tố giác không còn "động cơ trong sáng" là muốn góp ý và giúp tình hình trật tự, an toàn giao thông tốt hơn nữa, mà chuyển sang trạng thái muốn kiếm tiền từ vi phạm của người khác.

Thưởng tiền cho người tố giác vi phạm giao thông, có lo lạm dụng?- Ảnh 2.

Theo Nghị định 176/2024, người dân sẽ được hỗ trợ tiền nếu cung cấp thông tin vi phạm giao thông

ẢNH: ĐINH HUY

Không để xảy ra lạm dụng

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chỉ ra ít nhất 2 tác động tiêu cực nếu xảy ra việc lạm dụng tố giác vi phạm giao thông.

Thứ nhất là nguy cơ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. "Thử tưởng tượng ngày nào cũng có người "cắm" máy quay ở ngã tư, hoặc tay lăm lăm điện thoại đi rình vi phạm, sẽ thật ngột ngạt, bất cập", ông Hùng nói.

Vẫn theo luật sư, mỗi video, hình ảnh mà người dân cung cấp không chỉ phản ánh hành vi của người vi phạm (nếu đúng), mà còn liên quan đến nhiều người tham gia giao thông khác, nhất là hình ảnh cá nhân. Những thông tin này sử dụng không đúng mục đích, thậm chí là cố tình lợi dụng vì mục đích không tốt, ảnh hưởng tiêu cực sẽ rất lớn.

Thứ hai, việc "người người cầm máy quay, điện thoại ra đường" tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông - đối tượng mà người tố giác muốn bảo vệ. "Khi biến tướng xảy ra, mỗi người như một "thám tử" theo dõi, rình rập, rất dễ gây những tổn hại ngoài dự tính", luật sư Hùng nêu.

Từ những lo ngại đã nêu, luật sư Hùng kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng tiêu chí "sàng lọc" thông tin cũng như cách thức chi tiền hỗ trợ khoa học, làm sao vừa đảm bảo khuyến khích người dân tham gia tố giác vi phạm vừa ngăn ngừa biến tướng xảy ra.

Đầu mối tiếp nhận thông tin

Cục CSGT cho hay, để cung cấp thông tin vi phạm giao thông, người dân có thể liên hệ với các đầu mối tiếp nhận gồm: Cục CSGT, phòng CSGT thuộc công an tỉnh, đội CSGT - trật tự thuộc công an huyện.

Các đơn vị này có trách nhiệm thông báo công khai địa điểm, địa chỉ bưu chính, hộp thư điện tử, cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội, số điện thoại đường dây nóng để cá nhân, tổ chức biết cung cấp thông tin.

Ngoài ra, người dân cũng có thể cung cấp thông tin, hình ảnh về vi phạm giao thông bằng cách cài đặt, sử dụng VneTraffic do Bộ Công an phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.