Khi mà cánh cửa các trường công không đủ rộng mở để sẵn sàng chào đón lượng sinh viên quá lớn, thì việc tạo một thị trường tự do trong giáo dục là điều đáng hoan nghênh. Xu hướng thương mại hoá giáo dục ngày càng mạnh mẽ ở Việt Nam do lợi nhuận khủng từ hoạt động kinh doanh này mang lại. Đây cũng là lý do vì sao các cơ sở giáo dục ngoài công lập mọc lên như nấm từ các trường tiểu học đến đại học. Tuy nhiên, những sự xung đột xảy ra gần đây liên quan đến hệ thống giáo dục tại Việt Nam từ cấp tiểu học cho đến đại học, cho thấy môi trường giáo dục đang bị "thương mại hóa"- một hoạt động kinh doanh mà thiếu kiểm soát đang dần đem đến những hệ luỵ.
Giáo dục không giống như những ngành nghề kinh doanh khác, khi trong giáo dục ngoài lợi nhuận còn mang tính nhân văn, nhân bản. Một khi trường học được vận hành như công ty, có giám đốc, có bộ phận Marketing, truyền thông và cần phải đạt được lợi nhuận thì dường như nhiều nơi vì chạy theo sự thương mại mà quên mất nhiệm vụ chính của giáo dục là phải đào tạo con người cả về kiến thức lẫn nhân bản.
Mục đích cơ bản của giáo dục là trau dồi tư cách đạo đức cho học sinh và việc giảng dạy không đơn thuần chỉ là công việc như những ngành nghề khác. Tuy nhiên, mục tiêu này có phần bị lung lay khi giáo dục bị “thương mại hoá”, những câu chuyện đau lòng như: chỉ vì thiếu vài triệu đóng học phí mà trường không cho học sinh nhập học hay vì điều chỉnh học phí do dịch covid mà xảy ra xung đột giữa phụ huynh và nhà trường...sẽ không còn là thiểu số khi trường học đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên mục tiêu giáo dục con người.
Một khi đã xem giáo dục là hoạt động kinh doanh, nên các nguyên tắc cạnh tranh và lợi nhuận đều được đưa ra xem xét và các trường cũng sẽ quản lý theo kiểu kinh doanh, hoạt động theo định hướng thị trường. Để thu hút lượng lớn sinh viên vào trường và để tạo nên danh tiếng, các trường đầu tư nhiều vào cơ sở vật chất, các hoạt động truyền thông, mở rộng nhiều ngành nghề “hot”, không ngại bỏ tiền ra để mua các bài báo khoa học, các công bố để có những xếp hạng cao nhằm đánh bóng tên tuổi của trường mình. Đến mỗi kỳ tuyển sinh, các trường đua nhau làm các ngày hội, đưa ra nhiều "chiêu trò" marketing trong chương trình khuyến mãi để thu hút sinh viên. Đa số vẫn chạy theo những hào nhoáng bên ngoài hơn là củng cố các chương trình đào tạo, xem xét chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi của trường.
Hiện tượng xem giáo dục như "món hàng hoá" tất yếu sẽ dẫn đến cái gọi là “tiền cho kiến thức”, khi trường học trở thành nơi kiếm tiền thông qua các hoạt động dạy học được xem là thương mại. Lúc này, mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên cũng bị thay đổi, học sinh được các trường xem và được đối xử như là khách hàng. Quá trình giáo dục được hiểu tương tự như một hoạt động thương mại: sinh viên trả học phí và đổi lại nhận được kiến thức, kỹ năng và bằng cấp. Chính vì thế việc chọn trường học của các gia đình cũng dựa trên khả năng chi trả, các câu hỏi được đặt ra là học ở trường A học phí là bao nhiêu? Có xứng đáng không? Mọi người bắt đầu đánh giá trường đại học bằng các chỉ số xếp hạng, số bài nghiên cứu, có dễ tốt nghiệp hay không? Đây là suy nghĩ hết sức nguy hiểm vì đang chuyển từ trọng tâm ở người học sang trọng tâm của trường.
Các trường đại học, cao đẳng tin rằng giáo dục mà họ cung cấp là một sản phẩm, thì mục đích của giáo dục và thái độ với tri thức cũng thay đổi. Các trường học phải cố gắng làm hài lòng sinh viên và tránh không để xảy ra những khiếu nại, khiếu kiện tranh chấp làm tổn thương đến hình ảnh thương hiệu nhà trường. Chính vì lấy khách hàng làm trung tâm nên sinh viên được quyền chọn những lớp dễ dãi, giảng viên chìu lòng sinh viên để có điểm số cao, hạn chế thấp nhất đánh rớt vì sinh viên có thể không hài lòng. Tuy nhiên, nếu giáo dục chỉ chú trọng vào việc làm hài lòng sinh viên thì mục tiêu của giáo dục không còn nữa, vì sinh viên cần được đặt vào trạng thái áp lực trí tuệ, kiến thức, được thử thách, học hỏi kinh nghiệm từ việc giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu ép buộc sinh viên, đưa sinh viên vào khuôn khổ có thể dẫn đến sự không hài lòng. Chính vì thế, vấn đề nên đặt ra ở đây là sự hài lòng của sinh viên có phải là một trong những mục tiêu trọng tâm của các cơ sở giáo dục không? Một khi sinh viên xem mình là khách hàng của giáo dục hàn lâm thì sự phát triển về mặt trí tuệ của họ có thể bị ảnh hưởng. Bằng cấp có thể được mua bằng tiền, đổi lấy sự dễ dãi, sự phục vụ.
Thương mại hoá giáo dục đe doạ tính chính trực và độc lập của giáo viên, khi hội đồng quản trị có thể tác động vào hội đồng chuyên môn thì những mục tiêu của giáo dục phải gắn với mục tiêu thương mại. Điều này sẽ làm cho nền giáo dục vốn đang còn non kém thì càng dễ bị tổn thương hơn. Các sự việc đã từng xảy ra ở các trường đại học như Phan Chu Trinh, Duy Tân, Hoa Sen và gần đây ở trường đại học Tôn Đức Thắng là bài học để các nhà quản lý giáo dục lấy làm lăng kính để hoạch định cho chiến lược phát triển giáo dục ngoài công lập ngày một chuyên nghiệp.
Kinh doanh trong giáo dục là một việc nên được khuyến khích vì sẽ tác động tích cực đến sứ mệnh đào tạo cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước. Tuy nhiên cần nhìn nhận lại giáo dục không chỉ là hàng hoá, không chỉ là nơi để kiếm tiền. Những nhà kinh doanh giáo dục nên đặt trọng tâm giáo dục con người lên trên lợi nhuận.
Bình luận (0)