"Các đồng chí biên phòng muốn xin miếng đất, lấy vợ con rất khó khăn"
Trao đổi về dự án luật Biên phòng Việt Nam tại thảo luận tổ ở Quốc hội sáng nay, 16.6, thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, dành nhiều thời gian giải trình về tên gọi, phạm vi điều chỉnh cũng như nghi ngại xung đột của dự thảo luật với hệ thống pháp luật đã có.
Về tên gọi, ông Việt cho hay, qua hội thảo, tham khảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu, có người nói nâng pháp lệnh Bộ đội biên phòng lên thành luật Bộ đội biên phòng. “Như thế thì đơn giản quá. Bộ đội biên phòng là một mảng nhỏ trong toàn bộ nền biên phòng, trong hệ thống quốc phòng. Cho nên, sau đó, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giữ tên là luật Biên phòng Việt Nam”, ông Việt giải thích.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhân dân, khu vực biên giới hiện nay phát triển rất tốt, trở thành địa bàn rất quan trọng, nên xây dựng luật Biên phòng Việt Nam là phù hợp với điều kiện, tình hình hiện nay.
Theo ông Việt, với tên gọi là luật Biên phòng Việt Nam, phạm vi điều chỉnh của luật phải bao gồm cả xây dựng, quản lý, bảo vệ nền biên phòng toàn dân. Muốn xây dựng nền quốc phòng toàn dân thì phải cả hệ thống chính trị, chứ không phải mình bộ đội biên phòng.
Ông Việt nói: "Ta cứ hô hào thế nhưng bây giờ, các đồng chí bộ đội biên phòng muốn xin miếng đất, lấy vợ con ở khu vực biên giới cũng rất khó khăn".
Dẫn ví dụ ở Trung Quốc, nhà nước có chính sách cấp nhà cho cấp đại tá trở lên, điều động đến nơi nào là vợ được chuyển tới nơi đó công tác, ông Việt cho biết, ở Việt Nam, bộ đội biên phòng muốn xin đất cũng không được.
Vừa thể chế bằng luật, vừa quy định bằng văn bản của Đảng
Về ý kiến luật Biên phòng Việt Nam có xung đột với các luật khác như luật Cảnh sát biển, luật Biên giới quốc gia, luật An ninh quốc gia,… ông Việt phân tích, về nguyên tắc, vấn đề an ninh trật tự sẽ do Bộ Công an chủ trì, còn khu vực biên giới thì giao cho lực lượng biên phòng. Do đó, những chồng chéo phải được xử lý bằng cơ chế phối hợp.
Nêu lại lịch sử của Bộ đội biên phòng, ông Việt cho biết, trước đây, khi Bộ đội biên phòng ở Bộ Công an thì quản lý toàn bộ hệ thống cửa khẩu cả đường bộ, đường biển lẫn hàng không.
Tuy nhiên, khi chuyển giao Bộ đội biên phòng về Bộ Quốc phòng thì Bộ Công an không chuyển 2 cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài về Bộ Quốc phòng, mà vẫn để nguyên ở Bộ Công an.
“Cho nên hiện nay toàn bộ hệ thống cửa khẩu đường bộ, đường biển thì Bộ Quốc phòng và bộ đội biên phòng kiểm soát, còn 2 anh hàng không thì Bộ Công an kiểm soát”, ông Việt nói.
Theo ông Việt, khi tổng kết Nghị quyết số 11 năm 1995 của Bộ Chính trị về xây dựng Bộ đội biên phòng để xây dựng mô hình tổ chức Bộ đội biên phòng, Bộ Công an đề nghị Bộ Chính trị chuyển toàn bộ cửa khẩu về Bộ Công an quản lý, để khép kín an ninh quốc gia. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng lại đề nghị chuyển sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất về Bộ Quốc phòng.
“Rất căng thẳng. Bộ Chính trị họp nhiều lần. Cuối cùng, Bộ Chính trị kết luận anh nào làm thì giữ nguyên như thế cho đến như hiện nay”, ông Việt thông tin.
Từ đó, ông Việt cho rằng, luật này vừa là luật, song cũng vừa phải căn cứ trên các quy định của Đảng.
Liên quan tới luật Biên giới quốc gia, ông Việt cho hay, luật này xác định các nguyên tắc cơ bản về biên giới, gồm khu vực biên giới, đường biên giới, cột mốc biên giới,… còn luật Biên phòng thì quy định rõ làm thế nào để bảo vệ đường biên giới, cột mốc, bảo vệ được nền quốc phòng toàn dân, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, biên phòng.
“Tức là luật Biên phòng rất cụ thể, chứ không thể nói nguyên tắc như luật kia. Trùng có thể trùng, nhưng không xung đột chỗ này”, ông Việt giải thích.
Theo ông Việt, từ thực tiễn hoạt động của anh em bộ đội biên phòng, có nhiều cái phải được thể chế hóa bằng luật, và có những cái quy định bằng văn bản của Đảng.
Bình luận (0)