Thường vụ Quốc hội yêu cầu có chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/10/2022 11:35 GMT+7

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ mới ban hành về tiếp tục thực hiện sắp xếp huyện, xã yêu cầu Chính phủ tháo gỡ khó khăn, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.Thủ Đức .

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ban hành Nghị quyết 595 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp giám sát về thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã

gia hân

Đây là nghị quyết được ban hành sau giám sát về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi đầu tháng 9 vừa qua.

Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, việc phân cấp, phân quyền cho chính quyền TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM để phát huy tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.

Báo cáo kết quả giám sát đánh giá, việc sắp xếp, nhập 3 quận thuộc TP.HCM để thành lập TP.Thủ Đức với quy mô dân số, diện tích tự nhiên rất lớn trong khi các chính sách đặc thù, đặc biệt có liên quan chưa được đề xuất kịp thời, dẫn đến việc sáp nhập chưa thực sự đạt mục tiêu là phát huy các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo ra không gian, động lực phát triển mới như kỳ vọng ban đầu.

Trước đó, tại phiên họp hồi đầu tháng 9 về kết quả giám sát sáp nhập huyện, xã, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu vấn đề về phân loại TP.Thủ Đức trong hệ thống đơn vị hành chính.

“Khi thành lập TP.Thủ Đức thì chúng ta nói tên là thành phố nhưng chỉ là đơn vị hành chính cấp quận, huyện thôi. Có người nói nó phải là trên cấp quận, dưới cấp thành phố. Trước 1 huyện tách thành 3, giờ nhập 3 thành 1. Vậy nó là loại gì trong hệ thống hành chính?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, TP.HCM đang đề nghị cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức vì "cái áo chật quá". Hà Nội cũng đang chuẩn bị thành lập thành phố trong thành phố. Do đó, đây là vấn đề cần làm rõ.

Cơ chế như cấp huyện của TP.Thủ Đức đang được cho là đã trở thành "chiếc áo quá chật"

độc lập

Tại phiên họp, lý giải vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, tại thời điểm thành lập TP.Thủ Đức (tháng 12.2020), Chính phủ và TP.HCM chưa kịp chuẩn bị những cơ chế, chính sách đặc thù một cách kỹ lưỡng để có thể đề xuất nên khi đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ quyết định thành lập TP.Thủ Đức trên cơ sở sáp nhập 3 quận mà thôi, chưa có cơ chế chính sách cụ thể kèm theo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho hay, Chính phủ đang chỉ đạo UBND TP.HCM nghiên cứu để sắp tới có thể đề xuất những chính sách đặc thù nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của TP.Thủ Đức và sẽ phải báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm về vấn đề này.

Hồi tháng 4.2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị TP.Thủ Đức chọn ra 70 - 80% nội dung thuộc thẩm quyền cấp tỉnh để đề xuất áp dụng làm cơ chế đặc thù đáp ứng nhu cầu phát triển. Theo đó, ông Mãi cho biết, Quốc hội đã cơ bản thống nhất cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức sẽ là một phần trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Ngày 6.1.1997, Chính phủ quyết định giải thể H.Thủ Đức, thành lập 3 quận mới là Q.Thủ Đức, Q.2 và Q.9. Tới năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập TP.Thủ Đức trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập 3 quận nói trên.

Tháng 12.2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111 về việc thành lập TP.Thủ Đức thuộc TP.HCM trên cơ sở 3 quận nói trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.