Thủy điện 'bức tử' Cửa Đại

26/12/2014 10:58 GMT+7

Theo nhiều nhà chuyên môn về thủy lợi, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) đang diễn tiến nghiêm trọng là do thủy điện được xây dựng dày đặc trên thượng nguồn Vu Gia-Thu Bồn.

Theo nhiều nhà chuyên môn về thủy lợi, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An, Quảng Nam) đang diễn tiến nghiêm trọng là do thủy điện được xây dựng dày đặc trên thượng nguồn Vu Gia-Thu Bồn.

Thủy điện 'bức tử' Cửa Đại Cửa Đại đang bị '"bức tử"
Theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam, Cửa Đại rộng hơn 1.000 m hiện đang bị cát bồi lấp đến 600 m. Cửa biển hướng ra Cù Lao Chàm về phía bắc cũng bị bồi lấp dài hơn 2.000 m. Trong khi đó, bờ biển Cửa Đại dài hơn 3km cũng đang bị sạt lở nặng nề khiến các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng bị uy hiếp, một số dự án xây dựng phải bỏ hoang. Tuyến đường Âu Cơ trước đây cách biển Cửa Đại hơn 200m nhưng nay chỉ cách biển khoảng 40m. Nhiều bãi tắm đẹp đã bị sóng biển cuốn mất. Hàng loạt khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven biển Cửa Đại đang “gồng mình” để chống chọi sự tấn công của biển bằng nhiều biện pháp kè gia cố. Tuy nhiên, do sóng biển quá mạnh nên nhiều bờ kè đã bị đánh nghiêng, sạt lở.
Tốc độ xâm thực ngày càng nhanh và dữ dội. GS.TS Hitoshi Tanaka, Trường ĐH Tohoku (Nhật Bản) cho rằng, nguyên nhân cơ bản gây nên tình trạng sạt lở hiện nay tại Cửa Đại là do sự suy giảm lượng bùn cát cung cấp từ thượng lưu. So sánh Cửa Đại với một số cửa sông ở Nhật Bản, GS Hitoshi Tanaka chỉ rõ, xói lở nghiêm trọng ở cửa sông hiện nay là do việc xây dựng nhiều hồ chứa thủy điện ở thượng lựu khiến bùn cát lắng đọng lại. Để hạn chế tình trạng sạt lở phải tăng lại hàm lượng cát bồi cho lưu vực sông và phải tiến hành các biện pháp công trình như: kè cứng, xây các đập phá sóng, rạn nhân tạo…
“Cửa Đại hoàn toàn giống với một số cửa sông ở Nhật Bản vào khoảng 30 - 40 năm về trước. Do vậy, kinh nghiệm của Nhật Bản có thể áp dụng cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn”, GS Tanaka nói. Đồng quan điểm, PGS.TS Vũ Thanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý biển và hải đảo VN cho biết, việc biến đổi khí hậu khiến mực nước biển dâng không làm gia tăng tình trạng xói lở tại Cửa Đại và đó không phải là nguyên nhân chính. Ông Ca phân tích, nguyên nhân chính gây xói lở bờ biển Hội An chủ yếu là do thay đổi cán cân bùn cát tại khu vực… Hiện lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn có đến 8 thủy điện. Trong 3 năm gần đây, sự gia tăng đột biến của các đập thủy điện trên thượng nguồn khiến gia tăng dột biến về lượng bùn cát bồi lắng trong hồ. Do thiếu hụt cát cung cấp cho bờ biển nên biển Hội An đã và đang xảy ra xói lở dữ dội.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, cách đây 10 năm, nước sông Thu Bồn về đến Hội An có màu rất đậm vì pha tỉ lệ bùn non cao. Nhưng gần đây, thủy điện xây dựng nhiều nên nước từ thượng nguồn trong hơn, không còn phù sa bồi đắp. “Các thủy điện hàng năm nên nghiên cứu dùng biện pháp lấy phù sa lắng trong các hồ để thả xuống đầu nguồn. Dù tốn kém nhưng nên làm để giữ hạ lưu. Ngoài ra, các thủy điện cần trích lợi nhuận bù đắp các thiệt hại, làm kè cho hạ du. Tôi nghĩ, ở Hội An nên làm kè tổng hợp, không cứng không mềm. Không nhanh thì bãi biển lở hết, rồi sẽ mất Cẩm An, mất Cửa Đại. Khi đó Hội An sẽ không còn có bãi biển đẹp nhất thế giới để cùng với Đà Nẵng thu hút du lịch”, ông Giảng kiến nghị.
Cũng theo ông Giảng, hiện nhiều khu nghỉ dưỡng tại Hội An đang làm nhiều giải pháp khác nhau để chống sạt lở nhưng nếu không làm cẩn thận sẽ “gậy ông đập lưng ông”. Cho nên, các nhà khoa học cần có hướng dẫn cụ thể. Ông Nguyễn Phú, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, giải pháp giữ bãi tắm phải được đặt ra hàng đầu vì biển Cửa Đại là khu vực phát triển du lịch. “Cần phải nghiên cứu sâu hơn về phương pháp nuôi bãi, gây bồi kết hợp với xây dựng đê ngầm giảm sóng, tạo bãi tắm thiên nhiên, đảm bảo vẻ đẹp tự nhiên cho bờ biển Hội An. Sở sẽ báo cáo toàn bộ nội dung cuộc hội thảo cho UBND tỉnh Quảng Nam và đề nghị giao cho Trường ĐH Thủy lợi tư vấn dự án, kết hợp với các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu các giải pháp. Trong quý 1.2015 phải có giải pháp trước mắt để chủ động phòng chống mưa bão”, ông Phú nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.