Chị Nguyễn Thị Kim Yến (38 tuổi, ở thôn Phú Nhơn, xã Quế Lưu, H.Hiệp Đức, Quảng Nam) phản ánh khi Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 chưa xây dựng, khu vực nhà chị cũng như nhiều hộ dân khác chưa từng xảy ra cảnh ngập lụt. Tuy nhiên, khi thủy điện này hoàn thành và tích nước để phát điện (từ tháng 8.2021), mỗi lần mưa lớn, nhiều nhà dân lại bị ngập úng cục bộ. “Một số nhà trong phạm vi ảnh hưởng của lòng hồ Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 di dời đến nơi mới. Nhà tôi nằm sát lòng hồ nên mỗi lần mưa lớn nước từ trên đổ về cộng với nước từ lòng hồ thủy điện theo các con mương chảy vào gây ngập nặng”, chị Yến cho biết.
Một phần lòng hồ Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 nằm cách nhà bà Lan chỉ khoảng 20 m |
MẠNH CƯỜNG |
Theo chị Yến, khi nước từ lòng hồ thủy điện theo mương tràn vào nhà thì rút rất chậm bởi không thể thoát đi đâu được. Nước ứ đọng thời gian dài nên tường nhà bị thấm, hệ thống nhà vệ sinh và bồn tắm không thể sử dụng. “Mùa mưa, gia đình tôi không thể sử dụng được nhà vệ sinh, phải đi nhờ hàng xóm. Tường nhà thấm nước gây nhiễm điện, nguy hiểm cho các cháu nhỏ. Khi nước rút, bùn đất đọng lại rất hôi thối. Cuộc sống của gia đình tôi bị đảo lộn khi thủy điện tích nước”, chị chia sẻ.
Bà Võ Thị Tuyết Lan (72 tuổi, ở thôn Phú Nhơn) cũng bức xúc trước cảnh ngập úng. “Chẳng bao lâu nữa móng nhà tôi sẽ đổ sập, bởi nước thấm lâu gây nên tình trạng sụt lún. Chúng tôi đã kiến nghị từ xã đến huyện, từ huyện lên tỉnh nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm. Gia đình tôi rất muốn được di dời đến nơi khô ráo”, bà Lan nói.
Khắc phục không hiệu quả, sẽ di dời
Trong khi đó, ông Trần Hiệp, Giám đốc Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4, cho rằng nguyên nhân ngập úng nhà dân không hẳn do việc tích nước của thủy điện. Tuy nhiên, sau khi nhận phản ánh của người dân, công ty vẫn sẵn sàng khắc phục bằng cách đào mương thoát nước và cho thấy hiệu quả thoát nước rất tốt, qua theo dõi một số đợt mưa lớn đã không còn hiện tượng ngập úng cục bộ. “Việc di dời hay không là tùy thuộc vào địa phương, bởi quyền hạn và trách nhiệm không thuộc về chúng tôi nữa. Vấn đề bỏ kinh phí ra để di dời các hộ dân này thì đối với chúng tôi không có gì đáng lo ngại cả”, ông Hiệp khẳng định.
Công trình phụ nhà bà Võ Thị Tuyết Lan thường xuyên bị ngập cục bộ |
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam có công văn giao UBND H.Hiệp Đức chủ trì, chỉ đạo UBND xã Quế Lưu phối hợp với Công ty thủy điện Sông Tranh 4 và các hộ dân tổ chức đánh giá hiệu quả của công trình khắc phục tình trạng ngập nước ảnh hưởng đến các hộ dân nói trên; báo cáo kết quả cho Sở TN-MT tỉnh theo dõi, tham mưu UBND tỉnh xem xét chỉ đạo, giải quyết theo quy định. Trên cơ sở kết quả đánh giá công trình khắc phục ngập nước nêu trên, trong trường hợp công trình thoát nước này không hiệu quả, UBND tỉnh giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với UBND H.Hiệp Đức và các ngành liên quan đề xuất, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết việc thu hồi đất ngoài vạch bồi thường, giải phóng mặt bằng của các hộ bị ảnh hưởng công trình thủy điện Sông Tranh 4 theo đúng quy định, đảm bảo cuộc sống an toàn, ổn định lâu dài cho người dân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Hoàng Việt, Phó chủ tịch UBND H.Hiệp Đức, cho biết các phòng chuyên môn của huyện phối hợp với Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đánh giá lại các biện pháp khắc phục. “Trong trường hợp các biện pháp khắc phục không hiệu quả, huyện sẽ đề nghị tỉnh thu hồi phần diện tích đất của các hộ dân này để di dời đến nơi ở mới”, ông Việt nói.
Sau cuộc làm việc giữa các bên hôm 30.8, ông Trần Hiệp cho biết ngoài giải pháp đào mương thoát nước đã làm trước đây, Nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 đưa thêm giải pháp là xử lý bên ngoài công trình (nhà dân) bằng cách nâng cốt nền nhà lên khoảng 50 cm và xử lý bên trong nhà. “Nhưng phương án xử lý bên trong thì người dân không chịu và không cho đụng chạm gì cả. Quan điểm của họ là mong muốn di dời đến nơi khác, vì vậy phải chờ ý kiến chỉ đạo cuối cùng của UBND tỉnh”, ông Hiệp nói.
Bình luận (0)