Ngày 15.2, bản tin của dự án MDM (Giám sát hoạt động của các đập thủy điện Mê Kông) cho biết, trong tuần qua các đập thủy điện thượng nguồn ở Trung Quốc xả gần 800 triệu m3 nước. Vì các đập ở Trung Quốc xả ít nước hơn so với các mùa khô trước, nên mực nước sông ở Chiang Saen (Thái Lan) gần bằng với dòng chảy tự nhiên.
Tuy nhiên, ngoài các đập thủy điện của Trung Quốc, các đập thủy điện khác ở hạ lưu cũng xả khoảng 700 triệu m3 nước. Như vậy, tất cả các hồ chứa trên khắp lưu vực đã xả một lượng nước lên đến 1,5 tỉ m3 trong tuần qua. Việc xả đập vào mùa khô có hại cho hệ sinh thái của sông Mê Kông và các cộng đồng sống dựa vào nguồn tài nguyên của sông.
MDM cũng dự báo, việc hạn chế xả nước của các đập thủy điện ở Trung Quốc sẽ sớm thay đổi vì hiện tại các đập này đang gia tăng xả nước trở lại. Ở hạ lưu, mực nước sông Mê Kông đang ở mức cao hơn bình thường do nước thải từ nhiều con đập tích tụ lại. Cụ thể, tại trạm đo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) tại Stung Treng cao hơn khoảng nửa mét so với mức trung bình nhiều năm qua.
Mực nước Biển Hồ ở Campuchia đang ở mức cao, điều này khiến cho một số khu vực bờ phía nam của Biển Hồ và vùng ĐBSCL đang trong tình trạng ẩm ướt. Ước tính diện tích đất hiện đang trong tình trạng ẩm ướt ở Campuchia và vùng ĐBSCL nhiều gấp đôi so với những năm trước.
Mực nước sâu Hậu tại trạm Châu Đốc đang ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Bình luận (0)