Thủy sản đang tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan từ FTA vì sao?

Chí Nhân
Chí Nhân
06/05/2022 10:12 GMT+7

Việt Nam ký hợp tác thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với nhiều đối tác, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa. Tuy nhiên, thị trường mà hàng hóa Việt Nam tận dụng ưu đãi thuế quan tốt nhất hiện nay lại là Ấn Độ chứ không phải các nước trong CPTPP hay EU, ASEAN.

Theo Bộ Công thương, trong năm 2021, đã có 1,2 triệu bộ C/O ưu đãi được cấp, tăng 24% về trị giá và tăng 23% về số lượng bộ C/O so với năm 2020. Tổng kim ngạch xuất khẩu tận dụng ưu đãi thuế quan theo FTA (Hiệp định thương mại tự do) năm 2021 đạt trên 69 tỉ USD, chiếm gần 33% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA.

Thủy sản xuất khẩu là một trong số các mặt hàng tận dụng tốt các FTA

Công Hân

Về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA: Thị trường Ấn Độ chiếm tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất với 69%, tiếp theo là thị trường Chile gần 62% và Hàn Quốc 51%... Tính chung tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA của Việt Nam năm 2021 gần 33%. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O sang thị trường EU và Anh không cao, lần lượt ở mức 20% và 17%. Trong thời gian tới, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi trong tổng kim ngạch xuất khẩu còn có thể tăng.

Về cơ cấu mặt hàng, trong nhóm hàng công nghiệp, mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm gần 96% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA với Việt Nam. Đứng thứ hai là nhóm hàng nhựa và cao su và thứ ba là nhóm hàng dệt may.

Đối với mặt hàng trong nhóm hàng nông, thủy sản có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi cao khi xuất khẩu sang các thị trường có FTA như thủy sản trên 66%, rau quả 65%, chè 47% và hạt tiêu 42%.

Xét ở góc độ cơ cấu mặt hàng, có thể thấy mặt hàng giày dép tận dụng tốt FTA vì đáp ứng tốt tiêu chí về xuất xứ hàng hóa. Còn trong nhóm nông lâm thủy sản thì mặt hàng thủy sản đứng ở vị trí dẫn đầu do đây là mặt hàng đáp ứng tốt nhất các tiêu chuẩn chế biến và đóng gói từ thị trường nhập khẩu. Nhờ sự hoàn chỉnh của sản phẩm nên những mặt hàng này xâm nhập tốt vào các thị trường cao cấp. Báo cáo của Bộ Công thương dẫn chứng: Một số mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế rất tốt ở thị trường EU như: gạo tỷ lệ 100%, giày dép trên 98%, thủy sản gần 77%, nhựa và sản phẩm nhựa trên 70%.

Ngược lại, việc tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ thị trường Ấn Độ cho thấy phần lớn hàng hóa Việt Nam chất lượng chưa cao hoặc sản phẩm thô. Tương tự với thị trường khá cao cấp như Hàn Quốc thì việc tận dụng mới đạt 51%. Điều này cho thấy, để tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do ở các thị trường quan trọng các nhà sản xuất cần tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Bộ Công thương, các hiệp định thương mại tự do, nhất là các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP sẽ tiếp tục mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.