Tôm, cá tra Việt Nam không có đối thủ ở EU

26/04/2022 07:12 GMT+7

Ngày 25.4, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) phối hợp cùng Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam ( VASEP ) tổ chức hội thảo trực tuyến về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU.

EU là thị trường có dung lượng lên đến 50 tỉ USD/năm, nhưng Việt Nam chỉ mới chiếm 1/50 trong tổng dung lượng.

Sản phẩm thủy sản của Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh ở thị trường EU nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp

Công Hân

Thuế nhiều mặt hàng về 0%

Tại hội thảo, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Lê Hoàng Tài, nhận định: “Tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU đối với tôm, cá Việt Nam rất lớn. Thông thường nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại EU sẽ tăng vào đầu mùa hè và mùa thu, các doanh nghiệp (DN) phân phối, trung chuyển tại châu Âu sẽ đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm này”.

Phân tích về các lợi thế của sản phẩm thủy sản Việt Nam nhờ cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do mang lại, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu, chỉ rõ: Thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam được giảm về 0% trong thời gian từ 3 - 5 năm, so sánh với các nước khác, thuế tôm chân trắng của Thái Lan, Ecuador là 12%. Sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam gần như không có đối thủ. Tương tự, thuế cá tra đông lạnh Việt Nam được EU giảm về 0% trong 3 năm, trong khi đó mức thuế của Indonesia là 5,5%, của Trung Quốc là 9%. Các loại thủy sản khác như hàu, sò điệp, bạch tuộc từ Việt Nam cũng được giảm thuế ngay về 0%. Đây là cơ hội rất tốt cho DN Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU đối với tôm, cá Việt Nam rất lớn. Thông thường nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại EU sẽ tăng vào đầu mùa hè và mùa thu, các doanh nghiệp phân phối, trung chuyển tại châu Âu sẽ đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm này.

Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cũng tạo cơ hội lớn cho thủy sản Việt Nam. Trước đây, cá thịt trắng của Nga tiêu thụ rất nhiều ở EU nhưng khi EU cấm vận thương mại, nguồn cung cá thịt trắng tại Việt Nam được chọn lựa để thay thế.

Đứng ở góc độ DN, bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Vaseppro thuộc VASEP, bổ sung thêm: Cá tra Việt Nam có sản lượng năng suất cao, giá thành rẻ, xét về nhóm cá thịt trắng thì cạnh tranh không có đối thủ. Xuất khẩu thủy sản sang EU bắt đầu hồi phục từ năm 2021 và đến năm 2022 thì tăng mạnh, trong đó có 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra. Đứng trước những cơ hội mà EVFTA mang lại, ngành thủy sản hoàn toàn có đủ năng lực để đón nhận. Hiện nay, nguồn nguyên liệu trong nước dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu lớn.

Đại diện cho các nhà nhập khẩu, ông Claus Nodrup, Trưởng ban Kinh doanh thủy sản đông lạnh Công ty I.Schroeder Hamrburg, lưu ý: Nhu cầu tiêu thụ thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam đang tăng lên và giá bán tại thị trường EU cũng đang tăng.

“Xu hướng tiêu thụ cá tại châu Âu yêu cầu các chứng nhận rất rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Nếu gian lận thì hậu quả sẽ rất nghiêm khắc và ảnh hưởng lâu dài. Chính vì vậy, các DN Việt Nam nên hết sức chú ý để giữ vững uy tín”, ông Claus Nodrup nói.

Tự tin chiếm lĩnh thị trường

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9 tỉ USD; Mỹ là khách hàng lớn nhất với hơn 2 tỉ USD, Trung Quốc xếp thứ 2 với gần 1,2 tỉ USD và EU đứng thứ 3 đạt giá trị 1 tỉ USD tương đương tỷ trọng 12%. Một trong những yếu tố giúp sản phẩm của Việt Nam tăng trưởng tốt ở thị trường EU được cho là do các DN đã tận dụng tốt hiệp định thương mại tự do song phương. Theo VASEP, tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều.

Tổng công suất thiết kế các cơ sở chế biến tại Việt Nam là 3 triệu tấn sản phẩm/năm, thực tế đang khai thác 70% nên vẫn còn dư công suất để gia tăng sản lượng. Các DN Việt Nam hiện nay đã ứng dụng công nghệ trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, đạt tiêu chuẩn chứng nhận của các thị trường cao cấp. Vì vậy, khả năng tăng trưởng là rất khả quan.

Bà Lê Hằng

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Minh Phú, một trong những DN xuất khẩu tôm hàng đầu vào thị trường EU, cho rằng: “Hiện nay, công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và đạt trình độ tiên tiến hàng đầu thế giới trong khi các nước khác phần lớn sản phẩm vẫn là nguyên liệu thô. Nhờ nắm bắt đúng xu hướng phát triển của thị trường nên tiềm năng của sản phẩm Việt Nam ở thị trường EU sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Với lợi thế về các hiệp định tự do thương mại với EU lại càng tăng thêm khả năng cạnh tranh cho các DN Việt.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản Cafatex, cũng tự tin: “Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể dễ dàng đạt tới con số 10 tỉ USD thậm chí 20 tỉ USD sớm hơn các dự báo trước đây do về chế biến chúng ta dẫn đầu về công nghệ. Khi trình độ phát triển cao thì tốc độ tăng sẽ rất nhanh. Tuy nhiên, vấn đề của ngành thủy sản Việt Nam chính là khâu nguyên liệu. Chúng ta cần quy hoạch, tổ chức lại vùng nuôi kể cả vùng sản xuất giống để đáp ứng yêu cầu chế biến. Vấn đề của ngành tôm và thủy sản Việt Nam là quá phân tán, hạ tầng thiếu đồng bộ, chi phí sản xuất và giá thành quá cao làm giảm khả năng cạnh tranh so với nguyên liệu tôm của các nước”.

Để có thể từng bước chiếm lĩnh thị trường, các DN cần vượt qua nhiều thách thức. Đó chính là việc tuân thủ, thực thi các quy định của Hiệp định EVFTA, cụ thể như: tuân thủ quy tắc xuất xứ; quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện tổ chức sản xuất, môi trường…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.