Thủy sản kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU

11/06/2024 06:21 GMT+7

Ngành chế biến thủy hải sản hướng tới kim ngạch xuất khẩu vượt 10 tỉ USD trong năm nay và kỳ vọng lớn về việc sẽ gỡ được thẻ vàng IUU.

Từ bỏ thị trường EU vì quá khó

Ngày 10.6, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) tổ chức hội nghị 6 tháng đầu năm 2024. Với mục tiêu hướng tới kim ngạch xuất khẩu 10 tỉ USD trong năm nay, các doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực khai thác các thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, thẻ vàng IUU từ thị trường Liên minh châu Âu (EU) đối với mặt hàng hải sản đang là rào cản và gánh nặng cho DN.

Thủy sản kỳ vọng gỡ được thẻ vàng IUU- Ảnh 1.

Doanh nghiệp kiến nghị việc ban hành các quy định quản lý khai thác thủy sản cần linh hoạt, thực tế

Q.T

Theo VASEP, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản sang EU đạt từ 950 triệu USD - 1,3 tỉ USD, chiếm 11 - 13% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của VN, trong đó hải sản khai thác chiếm tỉ trọng từ 27 - 34%, đạt từ 280 - 365 triệu USD. Tuy nhiên, trong 3 năm gần đây, EU chỉ còn chiếm 9% xuất khẩu hải sản khai thác của VN, giảm tỉ trọng đáng kể so với mức 16% trước khi bị thẻ vàng IUU. Ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ mặc dù có tăng trưởng khả quan hơn so với mặt hàng mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác, nhưng hiện nay các doanh nghiệp chế biến cá ngừ cũng đang "kêu trời" khi vướng các quy định pháp luật.

Tại hội nghị, bà Cao Thị Kim Lan, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định (Bidifisco), đại diện cho cộng đồng DN ngành chế biến cá ngừ, nêu thực trạng: "Để đáp ứng các yêu cầu gỡ thẻ vàng IUU, các DN hiện nay đều ý thức mua nguyên liệu từ những tàu cá được phép ra khơi khai thác, được kiểm tra và cho phép cập cảng bình thường. Tuy nhiên, rất khó làm được giấy xác nhận nguyên liệu (S/C), dù DN đã tăng cường làm việc với các đầu mối và kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng vẫn vô cùng thấp thỏm sau khi đã chốt mua nguyên liệu. 

Có nhiều lý do khiến các DN mua nguyên liệu xong không được cấp S/C ở các khâu đánh bắt trước đó mà DN rất khó để biết rõ, như vấn đề xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá hay vấn đề tàu cá khai thác ở vùng biển không đúng quy định… Hay một tình trạng xảy ra trong 2 - 3 tháng nay là khá nhiều tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát qua mạng VNPT bị lỗi liên tục làm cho tàu cá mất kết nối giám sát hành trình từ 6 tiếng trở lên, có tàu mất đến 2 - 3 ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu làm giấy S/C của DN".

Bà Kim Lan khẩn thiết kiến nghị: Các địa phương triển khai tốt và kịp thời việc xác nhận điều kiện an toàn thực phẩm tàu cá, cảng cá, cũng như thực hiện nghiêm việc cho phép xuất bến - cập bến của tàu cá khi không đủ các điều kiện như pháp luật đã quy định. Bộ NN-PTNT cần xem xét sửa đổi quy định để có thể cấp giấy xác nhận nguyên liệu S/C ngay cho DN khi DN đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu cá có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng tại cảng cá; có hướng dẫn, chỉ đạo việc giải quyết giấy S/C cho những trường hợp tàu cá bị mất kết nối do lỗi của nhà cung cấp dịch vụ được xác nhận. Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cần thiết lập số hóa hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến T.Ư. Đây là việc rất quan trọng cho công tác quản lý, là thông tin cơ bản để Chính phủ, Bộ NN-PTNT có các chỉ đạo, quyết sách phù hợp.

Ông Nguyễn Nam Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH Huy Nam (Kiên Giang), chia sẻ: "Các DN chế biến hải sản đã đầu tư rất nhiều tiền bạc, vốn liếng và công sức vào các nhà máy chế biến; nhưng thực tế hiện nay đã có nhiều DN phải đóng cửa, từ bỏ thị trường EU vì quá khó và rủi ro. Đơn cử như việc cung cấp giấy tờ để chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, ngay chính các DN cũng không biết các giấy này có thật không, có đúng không vì có thể bị làm giả. Đã có nhiều trường hợp lô hàng xuất khẩu bị trả về. Thật sự chưa bao giờ tình hình thu mua nguyên liệu hải sản để chế biến lại khó khăn như hiện nay".

Theo VASEP, nhiều quy định vừa được ban hành đang gây hoang mang cho các DN chế biến hải sản vì khó thực thi và khiến DN khó tránh được vi phạm và bị xử phạt. Ví dụ như cơ quan quản lý yêu cầu DN nhập khẩu nguyên liệu phải thông báo, khai báo hồ sơ cho cơ quan thẩm quyền trước khi cập cảng 72 giờ đối với tàu nước ngoài và 48 giờ đối với tàu container là không phù hợp và khó thực thi.

"Một số quốc gia và một số nhà cung cấp đã từ chối các yêu cầu mới này vì không khả thi. Điều này đồng nghĩa chúng ta sẽ mất đi nguồn cung và DN trong nước sẽ không đủ nguyên liệu để chế biến", bà Kim Lan cảnh báo.

Nhiều khả năng sẽ được gỡ thẻ vàng

Với những ý kiến phản ảnh của DN, Cục Thủy sản thừa nhận trong thời gian qua, tình trạng mất kết nối Hệ thống giám sát hành trình (VMS) vẫn phổ biến trên toàn quốc, ảnh hưởng tiêu cực đến nỗ lực của VN trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) thông báo hoãn việc tiến hành kiểm tra trực tiếp tại VN để xem xét gỡ bỏ thẻ vàng IUU sang tháng 10 năm nay, các địa phương có thêm thời gian để chuẩn bị, tuy nhiên cũng không còn nhiều. 

Hiện nay, Ban chỉ đạo quốc gia về IUU đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình các địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ và vi phạm nhiều lần, thậm chí xử lý hình sự các chủ phương tiện vi phạm. Đây là một bước đi cứng rắn nhằm thúc đẩy các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định về giám sát hành trình tàu cá và chống khai thác IUU.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: "Hiện nay, các quy định pháp lý, các chính sách để đáp ứng yêu cầu gỡ thẻ vàng IUU đã hoàn chỉnh ở mức cao nhất. Tuy nhiên, giữa ý chí và việc thực thi ở các địa phương có khoảng cách khá xa, trong khi đoàn kiểm tra EC rất nghiêm khắc, yêu cầu rất cao. Vì vậy, trong thời gian tới, các đoàn công tác khi đi kiểm tra, nếu phát hiện địa phương nào chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phải báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê bình ngay. 

Đồng thời, các địa phương cần xây dựng và thực hiện kế hoạch khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý tàu cá, chống khai thác IUU. Các địa phương phải rà soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về VMS. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khai thác thủy sản và các quy định về VMS đến ngư dân, nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của ngư dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật".

Với các nỗ lực hiện nay của VN từ T.Ư đến các địa phương, EC đã hoãn thời gian kiểm tra lần thứ 5 sang tháng 10 để VN có thêm thời gian hoàn thiện các khâu kiểm soát.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, nhận định: "Với những nỗ lực trong thời gian qua, nhiều khả năng thẻ vàng IUU sẽ được gỡ bỏ. Chúng tôi đặt mục tiêu sau khi gỡ được thẻ vàng IUU sẽ nhanh chóng ổn định và thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hải sản khai thác sang EU. Tuy nhiên, cho dù có được gỡ thẻ vàng hay không, chúng ta cũng phải giữ nguyên quy trình quản lý nghiêm ngặt hiện nay, số hóa quy trình quản lý hồ sơ, quản lý nguồn gốc khai thác, quản lý tàu cá để thực thi IUU một cách căn cơ, nghiêm túc chứ không phải chỉ để đối phó trước mắt". 

Cho dù có được gỡ thẻ vàng hay không, chúng ta cũng phải giữ nguyên quy trình quản lý nghiêm ngặt hiện nay, số hóa quy trình quản lý hồ sơ, quản lý nguồn gốc khai thác, quản lý tàu cá để thực thi IUU một cách căn cơ, nghiêm túc chứ không phải chỉ để đối phó trước mắt.


Ông Trương Đình Hòe (Tổng thư ký VASEP)

Gỡ thẻ vàng IUU cần linh hoạt

VASEP khẳng định hiệp hội đang cùng các DN nỗ lực phối hợp các bộ, ngành, địa phương để chống khai thác thủy sản không theo quy định IUU. Tuy nhiên, các quy định pháp lý hiện nay cần phải linh hoạt, phù hợp với thực tế để tuân thủ các yêu cầu của Ủy ban châu Âu nhưng cũng không gây tác động tiêu cực đến hoạt động của DN.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.