Trong báo cáo công bố trên Tạp chí Quân y của Trung Quốc hôm 7.1, các chuyên gia gọi đây là nghiên cứu đầu tiên mổ xẻ vấn đề sức khỏe tâm thần, dựa trên cuộc khảo sát với 511 thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc (độ tuổi 26-30), báo Stars and Stripes (của quân đội Mỹ) ngày 28.1 cho biết.
Theo nghiên cứu, 21% trong số 511 thủy thủ (tức 108 người) được đánh giá là có vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Để đưa ra kết luận này, 5 chuyên gia của Viện Quản lý Y tế Quân đội thuộc Đại học Y học Hải quân Trung Quốc (ở thành phố Thượng Hải) đã tiến hành đánh giá sức khỏe tâm thần "tự nhận thức" của các thủy thủ tàu ngầm dựa trên khảo sát. Sau đó, họ so sánh kết quả với “các tiêu chuẩn” trong quân đội Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu lý giải lực lượng lính tàu ngầm thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông có nguy cơ cao mắc các chứng bệnh tâm thần vì quá căng thẳng cùng yếu tố khí hậu có nhiệt độ cao và độ ẩm cao, theo Stars and Stripes.
Theo nghiên cứu, kể từ năm 2006, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tăng cường công tác kiểm tra tình trạng sức khỏe tâm thần của các binh sĩ.
Kể từ năm 2007, Trung Quốc ngang ngược tăng cường hoạt động quân sự nhằm củng cố yêu sách chủ quyền phi lý, dọa dẫm và gây cản trở hoạt động đánh bắt, thăm dò của các nước láng giềng ở Biển Đông.
Thủy thủ tàu ngầm phải sống trong không gian nhỏ hẹp với không khí và ánh sáng nhân tạo.
Hải quân Mỹ bắt đầu triển khai các nhà tâm lý học lên tàu sân bay vào năm 1996 để hỗ trợ giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Trong thập niên tiếp theo, Mỹ triển khai đội ngũ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các đơn vị Hải quân và Thủy quân lục chiến.
Riêng thủy thủ tàu ngầm Mỹ phải thường xuyên điền vào bảng tự đánh giá về sức khỏe tâm thần. Bảng tự đánh giá được chia rõ ràng thành 9 loại triệu chứng lớn, chẳng hạn như hành vi ám ảnh cưỡng chế, trầm cảm, lo lắng và tâm lý thù địch.
|
Bình luận (0)