Vượt con đèo Chư Sê xuôi về hướng đông nam tỉnh Gia Lai là vùng bình nguyên rộng lớn. Ấy là vùng đất của núi lửa triệu năm, là dấu ấn phong vị văn hóa bản địa riêng có với các Pơ Tao - vị vua tinh thần của người bản địa.
Và từ nơi ấy, khởi đi từ đại thủy nông Ayun Hạ đã tạo nên những vùng dân cư trù phú. Niềm vui được mùa từ nhiều năm qua ở vựa lúa lớn nhất tỉnh Gia Lai đã giúp cho bao người đổi đời, bao gia đình vươn lên làm giàu. Ngày vui nối dài từ dưới những mái nhà khang trang cho đến các chân ruộng. Trong số đó có lão nông tỉ phú Nguyễn Thiện Tống.
Đàn bò của ông Tống được chia nhỏ để dễ chăm sóc, quản lý |
TRẦN HIẾU |
Người quê mang chí lớn
Ở tuổi 46 - khi nhiều người nghĩ đến câu chuyện an cư thì ông Tống lại chọn cho mình một con đường đi khác biệt: Đưa cả gia đình từ H.Tây Sơn (Bình Định) lên Gia Lai lập nghiệp. Số là trong một lần lên TP.Pleiku dự đám giỗ của người bà con, ông Tống lang thang về các huyện “chơi cho biết”. Thấy đất đai rộng lớn, khí hậu ôn hòa, vốn nông dân nên ông thích liền.
Chuyến đi đó đã khiến người đàn ông trung niên này quyết chí lên Tây nguyên lập nghiệp. Tính ông quyết liệt, hễ muốn làm gì là phải cố sức làm bằng được, ít khi chịu bỏ cuộc. Vậy là đi!
Ông Tống kể: “Ở dưới quê lúc đó khổ quá. Làm quần quật quanh năm mà vẫn thiếu ăn. Lúa chỉ làm được một vụ. Trồng mía thì vụ được vụ không. Bán hết nhà cửa, tài sản ở quê được 160 triệu đồng, tôi lên đây mua một lô đất ở làng Ring, xã H’bông, H.Chư Sê cất nhà, làm vườn, buôn bán. Tui làm khỏe lắm, phải gấp đôi người bình thường”.
Ông Tống làm đủ nghề trong những ngày mới lên Gia Lai lập nghiệp. Từ làm vườn, chăn nuôi đến… buôn bán. Số tiền tích cóp được, ông đem mua bò. Đàn bò từ vài con được chăm sóc kỹ và nguồn thức ăn dồi dào đã phát triển nhanh thành đàn vài chục con chỉ sau 4 - 5 năm. Rồi cứ vậy đàn bò nhân lên và giờ đây đã hơn 500 con.
Đàn bò lớn nên cần đồng cỏ rộng và không gian lớn để xây dựng chuồng trại. Nghĩ vậy, ông tìm mua được hơn 10 ha đất ở xã Pờ Tó, H.Ia Pa rồi chuyển đàn bò đến đó từ hơn chục năm trước. Vốn thông minh, nhanh nhẹn và sức khỏe tốt cộng với sự chịu khó khiến lão nông từ khốn khó đã thành tỉ phú chỉ trong 10 năm.
Nhiều năm nay, nguồn thu từ bán bò đã đem về cho ông Tống hơn 1 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, phân bò cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể với hơn 400 triệu đồng/năm. Và hơn 10 năm nay ông Tống chuyển về định cư ở xã Ayun Hạ. “Nói vậy chớ không dễ đâu, làm khổ lắm. May mà chịu khó, trời thương cho sức khỏe. Bò nhiều hơn là tôi bán, chỉ giữ đàn 500 con”, ông Tống nói.
Ông Tống ngoài làm kinh tế giỏi còn là một quái kiệt về chơi cu đất |
Khi cả nhà là tỉ phú
Gia đình ông Tống có 6 người con thì tất cả đều có của ăn của để. Cứ ai ra riêng, ông cho vài chục con bò làm vốn, trai cũng như gái. Từ đàn bò, đất đai của bố mẹ cho cộng với sự chịu khó, sáng ý, họ đã gầy dựng sự nghiệp riêng của mình với thu nhập từ vài trăm đến cả tỉ đồng mỗi năm.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Dũng (năm nay 70 tuổi) kể: “Cứ đến H.Chư Sê hỏi đến Nguyễn Hồng Sơn mà người ta hay gọi là “Sơn bò” là nhiều người biết lắm. Đó là con thứ 3. Đàn bò của nó cũng vài trăm con. Vừa rồi nó mới bán đi một phần để lấy 2,7 tỉ đồng làm nhà yến. Đứa nào cũng chịu khó làm lắm. Mới đây, thằng út đưa cho vợ chồng tôi cái thẻ, bảo trong đó có 300 triệu, ba mẹ cứ cần tiền thì rút mà dùng. Nhưng mình có dùng gì đâu, cả 6 tháng qua cần chút việc mới rút chưa đến 30 triệu đồng”.
Năm nay đã 71 tuổi nhưng lão nông Nguyễn Thiện Tống vẫn còn rất tráng kiện. Song, ông nói rằng mình muốn nghỉ ngơi tuổi già nên giao cả đàn bò cho con trai út năm nay 36 tuổi là Nguyễn Phi Long quản lý. “Nó làm khiếp lắm. Cứ nghĩ đủ chuyện để làm. Nó trồng lúa năng suất cũng không ai bằng. Quản lý đàn bò cũng tốt. Giao cho nó rất yên tâm. Tui mua chiếc ô tô, tự lái lấy. Thỉnh thoảng chạy vào xem đàn bò. Thời gian còn lại nuôi chim cu chơi hay trò chuyện với bạn bè thân tình”, ông Tống nói.
Tính ông thẳng thắn, chân tình nên được rất nhiều người mến trọng. Lúc chúng tôi đến, ông đang chuẩn bị đưa một người bạn lên TP.Pleiku để xem mua nhà. Ông nói: “Giờ dịch bệnh, đi xe khách cũng không an toàn. Mình có xe nên họ nhờ thì đi. Mấy đứa con cũng có ô tô cả nhưng mình không nhờ chúng mắc công, mắc việc. Tự lái thôi”.
Giúp người, giúp đời
Đàn bò lớn quá nên gia đình ông Tống không chăn xuể, phải thuê người. Cứ mỗi con bò, người chăn thuê được trả 1 triệu đồng/năm. Hiện có 5 cặp vợ chồng chăn bò thuê ở các trang trại. Họ được bố trí chỗ ăn nghỉ để tiện sinh hoạt và coi sóc đàn bò hàng trăm con. Ông Ksor Khíp (72 tuổi, ở xã H’bông), người có thâm niên chăn bò thuê cho ông Tống 14 năm nay, kể: “Nhờ chăn bò cho gia đình ông Tống mà mình có tiền để lo cho gia đình. Giờ già rồi, chỉ chăn được 80 con thôi! Mọi người ứng xử với mình rất tốt. Mình làm thêm thời gian nữa rồi nghỉ thôi, già rồi!”.
Nhưng câu chuyện khiến chúng tôi kính phục ông Tống về lòng nhân ái là chuyện ông ứng xử với đứa con nuôi. Số là cách đây 8 năm, anh Hồ Văn Cầu ham mê cờ bạc, lô đề nên ba mẹ đưa từ Tây Sơn lên nhờ ông Tống - vốn là chỗ quen biết giúp đỡ. Lúc này, anh Cầu đã có vợ và 2 con. Nghe vậy, ai cũng ngăn cản nhưng ông Tống vẫn nhận lời và quả quyết: “Đứa ngoan thì dễ rồi. Mình dạy đứa hư thành đứa ngoan mới giỏi. Vì thế, tôi nhận nó làm con nuôi, muốn dạy bảo nó nên người”.
Vậy nhưng, chứng nào tật ấy, anh Cầu đã gán luôn chiếc xe tải chở bò để lấy tiền bài bạc. Ông giận mắng và đuổi anh Cầu ra khỏi nhà. Bà Dũng vợ ông thấy thế đã nói với anh: “Ba giận mắng vậy. Con sai rồi. Nếu chịu khó làm ăn thì xin lỗi ba, xin cơ hội mà làm lại cuộc đời, nuôi vợ với 2 con”. Thấy anh Cầu quỳ xin lỗi và hứa, ông mắng thêm trận nữa nhưng vẫn đồng ý và tin giao công việc. Từ đó, anh tu chí, chí thú làm ăn. Nhiều lần, anh được ông Tống giao cầm tiền tỉ bán bò và về đưa lại không thiếu một đồng.
Năm 2019, anh Cầu được gia đình ông Tống cho 51 con bò để ra riêng. Nhận bò, anh gửi lại thuê người chăm, còn mình thì về quê làm nghề buôn bán bò, chở bò nhập cho lò mổ ở các tỉnh miền Trung. Thiếu xe tải, anh xin phép ông Tống bán bớt bò để mua. Khi nghe tin có người bán chiếc ô tô còn mới, ông Tống gọi anh lên, bảo bán bò, lấy 350 triệu đồng mà mua xe. “Nó có hiếu lắm! Cứ có dịp là tranh thủ chạy lên đây chơi thăm chúng tôi. Nay chịu làm ăn lắm rồi. Nhờ chịu làm nên có của ăn của để. Xây nhà cửa khang trang”, bà Dũng kể.
Giờ lớn tuổi, ông Tống giao dần việc cho con và có dịp thỏa đam mê chơi chim cu gáy của mình. Nhà ông nuôi gần 200 con cu gáy. Được nghe ông nói về chuyện nuôi chim, chơi chim cu gáy, đồng nghiệp đi cùng chúng tôi há hốc mồm vì đã gặp được quái kiệt về chơi chim.
Bình luận (0)