Tỉ phú làng mộc

10/05/2013 11:06 GMT+7

Từ một cơ sở nhỏ lẻ, người thợ tài năng Lê Văn Trực không chỉ tạo ra thương hiệu cho riêng mình mà còn góp phần không nhỏ vực dậy làng mộc nổi tiếng đang có nguy cơ mai một.

Giàu nhờ liều

Làng mộc Mỹ Xuyên (xã Phong Hòa, H.Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) nằm ngay bên dòng Ô Lâu. Về làng mộc hỏi ông Trực, người dân ai cũng biết. Ông Trực nổi tiếng là một tay thợ tài hoa, đang sở hữu một cơ sở ăn nên làm ra nhất làng mộc. Ông còn có nhiều đóng góp trong việc vực dậy tên tuổi của mộc Mỹ Xuyên.

Tỉ phú làng mộc 
Ông Trực tại xưởng mộc của mình - Ảnh: Tuyết Khoa

Cơ sở của ông Trực khá quy mô với hơn 20 thợ. Dáng vẻ nông dân, ông Trực đang bận rộn để hoàn thành ngôi nhà rường cho một ông khách ở thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị). Ông kể, từ xa xưa, làng mộc Mỹ Xuyên đã nổi tiếng khắp nơi với những câu vè: Thêm nghề chạm khắc làng tôi/Nổi danh một thuở tận nơi cung đình/Bàn tay người thợ thật xinh/Dựng nên cung điện miếu đình nguy nga/Nhà rườn hương án gần xa/Đều do tay thợ làng ta tạo hình... Tinh hoa mộc Mỹ Xuyên là ở bàn tay khéo léo của người thợ. Họa tiết khắc chạm mang nét riêng, độc đáo, tinh tế pha lẫn cái hồn của người thợ. Trong thời kỳ dài chiến tranh, làng nghề bị xáo trộn bởi cảnh loạn lạc, không ai còn làm nghề. Nhu cầu thị trường cũng thấp, làng nghề bị đứt đoạn và tưởng chừng như mai một. Sau giải phóng, HTX điêu khắc mỹ nghệ Mỹ Xuyên được thành lập bởi nghệ nhân Lê Độ Túy. Thị trường xuất khẩu sang các nước Đông u, châu u... Tuy nhiên, hoạt động được khoảng 15 năm, HTX giải tán do làm ăn thua lỗ. Nhiều thợ giỏi phân tán khắp nơi.

Năm 2003, doanh nghiệp mộc mỹ nghệ xuất khẩu của nghệ nhân Lê Văn Mân thành lập. Doanh nghệp thu hút trên 50 lao động. Tuy nhiên, đến 2006, doanh nghiệp phá sản do thua lỗ. “Đứng trước tình hình làng nghề đang mai một, tôi và nhiều thợ trong làng rất lo lắng. Hai đứa con trai của tôi cũng là thợ giỏi. Không cam tâm khi có nghề mà phải thất nghiệp. Năm 2006, tôi liều đầu tư số vốn 200 triệu đồng của gia đình tích lũy và vay người quen, cộng với số tiền vay ngân hàng thành lập cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ mang tên Thường Trực”, ông Trực chia sẻ.

Đưa tên tuổi mộc Mỹ Xuyên đi xa

Ông kể, ông mồ côi từ nhỏ, được bà con cưu mang qua ngày, nên ông sớm phải tự lập. “Tôi đã suy nghĩ rất kỹ, Mộc Mỹ Xuyên từ xa xưa đã nổi tiếng với thống nhà rường cổ Phước Tích, di tích các kiến trúc gỗ ở Huế, hay các đình, chùa, miếu…ở nhiều vùng đất miền Trung. Song, chưa ai dám đầu tư làm những sản phẩm này, vì phải có nguồn vốn và tay nghề cao, nhưng tôi quyết làm”, ông Trực cho biết.

Từ một cơ sở nhỏ, xưởng mộc của ông đã có quy mô lớn nhất làng với thu nhập vài tỉ đồng mỗi năm. Đơn đặt hàng khắp nơi, từ bắc chí nam. Năm vừa qua, doanh nghiệp đã và đang hướng đến sản phẩm nội thất đồ cổ và nhà rường. Doanh nghiệp xuất 3 nhà rường đi Sài Gòn, Đà Lạt và Thanh Hóa. Giá trị mỗi ngôi nhà từ 1-1,5 tỉ đồng. “Thương hiệu mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên đã có. Vấn đề là mình phát huy thêm và chứng minh bằng sản phẩm. Không chạy theo số lượng mà đi sâu vào đường nét tinh tế của sản phẩm và uy tín với chất lượng của gỗ”, ông Trực cho biết.

Tình hình kinh tế của làng lên trong thấy, hầu hết đàn ông con trai trong làng đều là thợ mộc làm tại doanh nghiệp, mỗi tháng thu nhập từ 6-8 triệu đồng/người. Ông Trần Văn Nguyện, Chủ tịch UBND xã Phong Hòa, cho biết: “Làng nghề mộc Mỹ Xuyên là một trong những mũi nhọn kinh tế của địa phương. Hiện làng có 11 cơ sở cùng 2 doanh nghiệp lớn đang hoạt động tốt, ngày càng mở rộng thị trường và khẳng định thương hiệu. Ông Trực là một trong những thợ đã mạnh dạn đầu tư từ những ngày đầu để có được sự khởi sắc của làng mộc hôm nay”.

Tuyết Khoa

>> Lão nghệ nhân làng mộc
>> Xứng danh làng mộc
>> Làng mộc mỹ nghệ Mỹ Xuyên ở Huế
>> Cơ hội mới cho làng mộc Kim Bồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.