Tỉ phú Nguyễn Đăng Quang đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỉ đồng năm 2023

Mai Phương
Mai Phương
24/04/2023 14:18 GMT+7

Sáng 24.4, Công ty CP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) cùng hai công ty con Masan Consumer (mã MCH) và Masan MEATLife (mã MML) đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan chia sẻ, năm 2022 Masan đã thay đổi tư duy cả về những điều đang làm và cách định vị chính mình. Đó là trở thành một công ty dịch vụ, trải nghiệm và thấu hiểu người tiêu dùng. 

Ông Danny Lê, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan, thông tin năm 2022 Masan đã đạt được nhiều cột mốc quan trọng. Cụ thể, công ty tập trung vào việc mở rộng cửa hàng bán lẻ hiện đại với số lượng mở mới gần 2 cửa hàng mỗi ngày trong khi thị trường đóng cửa khoảng 1.000 cửa hàng. Điều này đã làm tăng thị phần mạng lưới siêu thị mini cùng cửa hàng tiện lợi của Masan từ 40% vào năm 2021 lên gần 50% vào năm 2022.

Masan giữ vững lộ trình tăng trưởng với mục tiêu doanh thu 100.000 tỉ đồng trong 2023 - Ảnh 1.

Masan tiếp tục tập trung vào ba động lực tăng trưởng cốt lõi

CTV

Hiện Masan chiếm 50% thị phần mạng lưới cửa hàng bán lẻ hiện đại và 92% cửa hàng mở mới năm 2022 đã hòa vốn. Masan cũng đang mở rộng phục vụ nhu cầu khác như Phúc Long hay thí điểm Dr.Win chuyên về sản phẩm mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp và dịch vụ tài chính của Techcombank. Công ty còn hướng đến làm chủ hệ thống kho bãi và phân phối với việc thành lập The Supra giúp giảm chi phí/đơn hàng và tỷ lệ phủ hàng hóa tốt hơn.

Lộ trình tăng trưởng của Masan trong giai đoạn 2023 - 2025 vẫn được giữ vững với việc tiếp tục tập trung vào ba động lực tăng trưởng cốt lõi của công ty. Đó là tăng trưởng mạng lưới; tăng quy mô hội viên WIN ở cả offline và online với mục tiêu có 10 triệu thành viên vào năm 2023 và 30 triệu thành viên vào năm 2025; tăng trưởng thị phần chi tiêu với mục tiêu cung cấp khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho 5 triệu người tiêu dùng chưa được phục vụ đầy đủ trong vài năm tới.

Bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc của WinCommerce đưa ra lộ trình mở mạng lưới cửa hàng tạp hóa của WinCommerce. Để giành được cả thị phần thành thị và nông thôn, WinCommerce đã phát triển mô hình cửa hàng đa dạng để phục vụ các phân khúc người tiêu dùng từ trung thượng lưu đến đại chúng, từ thành thị đến nông thôn, từ nhu cầu mua sắm hàng ngày đến các dịp họp mặt gia đình.

Đối với Masan Consumer, theo ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc công ty, để mở rộng mạng lưới, gia tăng lợi ích hội viên, Masan Consumer có kế hoạch hợp tác với nhiều đối tác tên tuổi trong và ngoài nước. Ngay trong đại hội, Masan đã công bố đối tác đầu tiên, chương trình "Đồng thành viên" với Lazada, nơi người tiêu dùng có thể tận hưởng trải nghiệm O2O (Online to Offline) với các sản phẩm và dịch vụ như hàng tạp hóa, tiêu dùng hàng ngày từ WinCommerce, đồ điện tử tiêu dùng, thời trang & làm đẹp từ Lazada. Chương trình đồng thành viên dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6 tới...

Đến năm 2027, Masan có thể đưa hệ thống ra ngoài Việt Nam. Công ty cũng đưa ra mô hình Consummer Innovation Center (CIC) vào chính thức vận hành tại trung tâm ở KCN Tân Bình trong quý 3/2022.

Kế hoạch năm 2023, Tập đoàn Masan dự kiến doanh thu thuần hợp nhất đạt từ 90.000 tỉ đồng đến 100.000 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 18% và 31% so với mức 76.189 tỉ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cốt lõi Pre-MI (không bao gồm chi phí một lần) dự kiến nằm trong khoảng 4.000 - 5.000 tỉ đồng, đạt tốc độ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỉ đồng của năm 2022. Cổ đông cũng thông qua kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế với giá trị tối đa 500 triệu USD và giá phát hành bằng với mệnh giá 100.000 USD/trái phiếu. Masan còn dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoặc cổ phần ưu đãi cổ tức với tổng số lượng cổ phần phát hành dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành vào thời điểm chào bán...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.