Tỉ USD mở đường tới cảng

15/04/2021 06:20 GMT+7

Vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD mở các tuyến đường giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển.

Sở GTVT TP.HCM vừa đề xuất ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho các tuyến đường giao thông trục chính phục vụ vận tải kết nối các khu vực cửa khẩu cảng biển với vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD.

Hơn 27.000 tỉ đồng cho 6 dự án cấp bách

Sáu dự án được Sở GTVT TP.HCM đề xuất sau khi rà soát tính cấp thiết đầu tư trong danh mục các dự án theo “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030” gồm 1 dự án đang triển khai đầu tư là nút giao thông Mỹ Thủy, 2 dự án đã được UBND TP cho phép lập, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư thuộc đường Vành đai 2 đang chờ khép kín và 3 dự án đề xuất mới.
TP.HCM hy vọng các tuyến giao thông trục chính kết nối cảng biển sẽ giúp giải tỏa áp lực xe tải trên xa lộ Hà Nội ẢNH: NGỌC DƯƠNG

TP.HCM hy vọng các tuyến giao thông trục chính kết nối cảng biển sẽ giúp giải tỏa áp lực xe tải trên xa lộ Hà Nội

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cụ thể, dự án xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy đã hoàn thành các công trình thuộc giai đoạn 1, đang triển khai các công trình thuộc giai đoạn hoàn thiện theo quy hoạch nhưng chưa thể tiếp tục triển khai do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện. Công trình này có tổng mức đầu tư 3.622 tỉ đồng, nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, đảm bảo thông suốt các trục đường chính Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, giảm ùn tắc, tai nạn, tăng khả năng chuyển chở hàng hóa ra vào cảng Cát Lái.
Hai đoạn 1, 2 thuộc dự án khép kín Vành đai 2 đã có văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP. Sở GTVT đã hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định và trình Sở KH-ĐT tổng hợp, báo cáo Hội đồng thẩm định TP thẩm định. Trong đó, đoạn 1 dài 3,5 km (gồm cả xây dựng nút giao Bình Thái) xây dựng đoạn tuyến kết nối từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía đông đến xa lộ Hà Nội, TP.Thủ Đức có tổng vốn đầu tư 9.047 tỉ đồng. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái trên xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5 km (gồm cả xây dựng nút giao Phạm Văn Đồng - Vành đai 2), tổng vốn 5.569 tỉ đồng. Hai đoạn này có vai trò quan trọng trong việc khép kín đường Vành đai 2, giúp phân luồng, giảm áp lực giao thông trên các tuyến xa lộ Hà Nội, QL1..., đồng thời tăng kết nối các cảng tại TP.Thủ Đức như Phú Hữu, Trường Thọ, Cát Lái...
Ba dự án đề xuất mới, gồm xây dựng hoàn chỉnh trục đường Bắc - Nam (đoạn từ Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm) dài 6,7 km, mở rộng 2 làn xe nhằm hoàn thiện đường trục Bắc - Nam theo quy hoạch 60 m, 6 làn xe, tổng mức đầu tư 7.013 tỉ đồng; Xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía đông từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy (TP.Thủ Đức) hơn 1.200 tỉ đồng; và dự án xây dựng hoàn thiện đoạn tuyến vành đai phía đông từ nút giao Mỹ Thủy đến nút giao Nguyễn Duy Trinh - Vành đai 2, hơn 1.000 tỉ đồng. Đây đều là các dự án quan trọng, tăng kết nối khu vực cảng Hiệp Phước (H.Nhà Bè) và Cát Lái.
Tổng cộng, 6 dự án cần số vốn 27.488 tỉ đồng. Trường hợp khó cân đối kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Sở GTVT đề xuất TP rà soát, ngưng hoặc giãn tiến độ đầu tư đối với các dự án đã được thông qua chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 nhưng chưa được quyết định đầu tư, chưa mang tính cấp bách để xem xét ưu tiên nguồn lực tập trung triển khai các dự án nêu trên.

“Nghẽn” đường vào cảng

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết các khu cảng biển của TP hiện trải dài qua các quận 2, 4, 7, 9 và H.Nhà Bè. Giao thông đường bộ kết nối trực tiếp đến khu vực cảng Cát Lái (Tân Cảng - Cát Lái và Phú Hữu) là đường Nguyễn Thị Định, Nguyễn Duy Trinh; kết nối vào cảng Hiệp Phước là trục đường Nguyễn Hữu Thọ... Các tuyến đường này theo quy hoạch có năng lực thông xe và vận tải lớn, đảm nhận vai trò vận chuyển hàng hóa qua cảng biển và liên kết vùng, kết nối đi các tỉnh lân cận TP. Tuy nhiên, hệ thống giao thông vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ, dẫn đến vận tốc lưu thông trên một số tuyến đường chính ra vào cảng còn chậm. Bên cạnh đó, các cảng nằm sâu trong TP như Cát Lái, Tân Thuận, Hiệp Phước, Phước Long… không có đường chuyên dụng, đa số sử dụng chung với đường địa phương nên tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường ra vào cảng.
KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, đánh giá Hiệp Phước và Cát Lái hiện là 2 cảng chính, lớn nhất TP nhưng đều đang gặp rất nhiều bất cập về giao thông. Cụ thể, Cát Lái là cảng container lớn nhất Việt Nam nhưng hiện luồng hàng chủ yếu vẫn chỉ di chuyển qua tỉnh lộ 25, mặc dù đã mở rộng và kết nối vào 2 trục vành đai là Mai Chí Thọ và đường Phú Mỹ nhưng vẫn chưa kéo được gần vào các nguồn hàng lớn, trung tâm sản xuất như Bình Dương, Đồng Nai… Cùng với Phú Hữu và Trường Thọ, container từ Cát Lái đổ về xa lộ Hà Nội. Trong tương lai, đây là trục phát triển đô thị sáng tạo phía đông, không thể chấp nhận việc xe tải, container xếp hàng dài trên đường như hiện hay. Vì thế, cần đẩy nhanh khép kín trục Vành đai 2 và làm thêm nhiều tuyến tránh để giải tỏa giao thông đô thị.
Với Hiệp Phước, trước đây TP chuyển cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước đã giúp giải phóng được lượng lớn ô tô vận tải chạy trong nội đô. Tuy nhiên, cảng Hiệp Phước thời gian qua phát triển rất chậm vì 2 nguyên nhân: Thứ nhất là luồng tàu Soài Rạp tốn rất nhiều tiền để khơi thông nhưng tốc độ bồi lắng rất lớn, mỗi năm mất hàng trăm tỉ đồng để nạo vét. Thứ hai, khi dịch chuyển, cảng mới phải có hệ thống giao thông tương ứng nhưng đường bộ hiện mới chỉ có trục Nguyễn Hữu Thọ nối với TP. Luồng hàng chính là các khu vực công nghiệp chế biến ở ĐBSCL và phía Tây nguyên xuống, đi theo QL1 hiện đã quá tải nghiêm trọng.
“Phải nhanh chóng khép kín Vành đai 3, đặc biệt là đoạn Hiệp Phước tới Bến Lức để tiếp cận sát các nguồn hàng lớn từ ĐBSCL và Tây nguyên thì cảng Hiệp Phước mới có điều kiện phát triển. Phục vụ cảng tốt nhất chính là hệ thống đường vành đai. Khi có Vành đai 2 thì nên cấm xe tải lớn chạy vào xa lộ Hà Nội và mở rộng thêm nhiều tuyến đường dân sinh để giải tỏa áp lực giao thông đô thị”, KTS Kim Cương đề xuất.

Sông ngòi dày đặc nhưng vận chuyển chủ yếu đường bộ

TP.HCM có hệ thống sông ngòi dày đặc với gần 1.000 km đường sông, kênh, rạch; nhưng theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, hiện chỉ có khoảng 20% hàng hóa được chuyển về TP.HCM bằng đường thủy, 80% còn lại sử dụng đường bộ.
Đại diện Bộ GTVT cho biết hiện nay hệ thống đường bộ về cơ bản đã vươn đến các cảng, gồm cảng hàng không, cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1... Tuy nhiên, việc khai thác còn hạn chế do đường bộ chưa thể đáp ứng hết, nhất là các cảng biển nằm gần khu vực đô thị dễ gây ùn tắc cục bộ như khu vực cảng Cát Lái. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng mạng lưới giao thông đường bộ đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang được Bộ xây dựng với mục tiêu khắc phục các bất cập trong kết nối này. Theo đó, tất cả hệ thống đường bộ cao tốc sẽ kết nối với các cảng biển quốc tế, cảng biển loại 1 một cách thông suốt. Trong đó, ở khu vực phía nam, cảng Cát Lái sẽ kết nối đường thủy với cảng Cái Mép - Thị Vải, miền Tây sẽ đi theo kênh Chợ Gạo, giảm tải hàng hóa cho khu vực Cát Lái và TP.HCM.
Theo PGS-TS Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, kinh nghiệm các nước cho thấy để tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí thì cần phát triển vận tải đường sắt và đường thủy. Do đó, ngoài việc cấp bách khép kín hệ thống đường vành đai, nên bố trí các đường sắt chuyên dụng xuống cảng Cái Mép, cảng Cát Lái. Kết hợp thêm các cảng cạn để sử dụng đường sông một cách triệt để. “TP.HCM nên rà soát lại quy hoạch, tuyến nào cần mở rộng, kéo dài thì nên thực hiện sớm. Những tuyến đường bộ thêm vào cần xem xét, tính toán kỹ lưỡng, làm sao phải hài hòa giữa các loại hình vận tải. Đặc biệt chú trọng ưu tiên đường sắt và đường thủy trong hệ thống vận tải liên vùng”, ông nói.
Hiện nay, thời gian quay vòng xe tải là 2 chuyến/ngày và xe container là 1,5 chuyến/ngày, nhưng do hạ tầng khu vực cảng biển của TP.HCM chưa được đầu tư hoàn chỉnh, chưa có làn đường chuyên dụng, vận tốc khai thác thấp và do tình trạng kẹt xe trên các tuyến đường xung quanh cảng nên con số quay vòng khá thấp so với chi phí đầu tư xe tải và xe container của doanh nghiệp. Trong khi đó, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cảng này đều được vận chuyển bằng đường bộ (chiếm khoảng 88%), trung bình có khoảng 19.000 - 20.000 ô tô ra vào khu cảng Cát Lái thông qua các tuyến đường Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống. Đặc biệt, có một số ngày lên đến 26.000 lượt xe ra vào, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.