Việc một số địa phương năm nay tuyên bố không tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 vì cho rằng năm nay không phải là năm chẵn, khiến nhiều ý kiến “cự nự” rằng truyền thống tôn sư trọng đạo đâu phụ thuộc vào năm chẵn, năm lẻ.
Đương nhiên, phản ứng ấy hoàn toàn có lý bởi gần 40 năm nay, người ta đã mặc nhiên thừa nhận ngày này thực sự là ngày tết của các thầy cô. Giống như tết cổ truyền của dân tộc, không ai quan tâm đến việc năm nay là bao nhiêu năm ra đời của cái ngày lễ ấy.
Thế nhưng, dù bảo vệ việc vẫn phải tổ chức lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam thật trang trọng, ấm áp thì không ít ý kiến cũng thở dài vì những “biến tướng” của ngày lễ này và tiếc nuối những 20.11 của thời xưa cũ, khi đất nước còn khó khăn nhưng tình thầy trò thì thật giàu có.
Người ta nhớ đến những ngày học trò dù trường làng hay phố thị thì món quà tặng các thầy cô không khi nào nặng về vật chất. Cả lớp góp tiền mua biếu thầy cô quyển sổ, cái bút bi mực đỏ hay chiếc nón lá, cân cam...; bó hoa cúc hoặc cánh bướm hái ở vườn nhà rong ruổi từ nhà thầy này sang nhà cô kia khi đến tay người nhận đã kịp... héo rũ. Vậy mà cả thầy trò đều vui.
Còn ngày nay, quà tặng thầy cô cũng đều quy ra... phong bì, ai cũng tặc lưỡi: vừa gọn nhẹ, vừa phù hợp với tất cả mọi người. Mạng xã hội bùng nổ cũng góp phần khiến ý nghĩa của ngày này “biến tướng” nặng nề hơn. Không ít giáo viên liên tục lên trang cá nhân của mình để khoe và cập nhật được phụ huynh lớp A, khối B, học sinh của lớp học thêm tặng quà “xịn” và bóng gió xa xôi về việc “ơn thầy cô” khiến nhiều phụ huynh khác cảm thấy áp lực và chạnh lòng.
Đọc lại quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ký từ năm 1981 mới thấy những quy định vẫn còn nguyên giá trị và có lẽ nên được thực thi tốt hơn để trả lại ý nghĩa của ngày này: “Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh”.
Bình luận (0)