Tiêm vắc xin Covid-19 nên tự nguyện hay bắt buộc?

Liên Châu
Liên Châu
06/06/2022 04:21 GMT+7

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật về việc tiêm vắc xin Covid-19 , lưu ý rà soát, làm rõ vắc xin Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc…

Rà soát các quy định về tiêm chủng bắt buộc

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 162/TB-VPCP (thông báo) ngày 2.6 về nội dung kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 tại điểm tiêm Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

Độc Lập

Tại thông báo, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp rà soát các quy định của pháp luật việc tiêm vắc xin Covid-19. Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng vắc xin Covid-19, trong đó lưu ý rà soát, làm rõ: vắc xin Covid-19 thuộc diện tiêm tự nguyện hay tiêm bắt buộc; số lượng vắc xin đã có và dự kiến sẽ được nhập khẩu; nhu cầu vắc xin và kế hoạch sử dụng trong thời gian tới…

Hiện chưa có quy định về tiêm chủng bắt buộc với vắc xin Covid-19, tuy nhiên việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin này là rất cần thiết để duy trì miễn dịch bền vững.

Một chuyên gia Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Về rà soát các quy định tiêm vắc xin bắt buộc hay tự nguyện, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại các khoản 1, 2, 3 điều 29 về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh. Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho hay “căn cứ vào những quy định của luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, ngày 17.10.2017, Bộ Y tế đã ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc”.

Theo bà Liên Hương, với Covid-19, ngày 1.4.2020, Thủ tướng đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19, và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc (danh mục). Độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch. Với quy định hiện hành, tại thời điểm hiện nay, việc tiêm vắc xin cho trẻ 5 - 12 tuổi chưa có đủ cơ sở xác định là bắt buộc.

Về lý do chưa cập nhật trong danh mục trên, lãnh đạo Bộ Y tế cho hay hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc xin Covid-19 tự nguyện hơn là bắt buộc. Việc sử dụng vắc xin Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vắc xin này với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội... Ngoài ra, các vắc xin Covid-19 được cấp phép nhưng vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả sử dụng.

Giải thích thêm về tiêm vắc xin Covid-19, một chuyên gia của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng: “Hiện chưa có quy định về tiêm chủng bắt buộc với vắc xin Covid-19, tuy nhiên việc tiêm chủng đầy đủ vắc xin này là rất cần thiết để duy trì miễn dịch bền vững”.

Vì sao nên tiêm đủ mũi 3, mũi 4?

Theo Bộ Y tế, đến hết ngày 4.6 có 221,7 triệu liều vắc xin Covid-19 đã tiêm trên cả nước.

Trước đó, ngày 16.5, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã phân bổ vắc xin Covid-19 đợt 146 và 147 (tại Quyết định số 743/QĐ-VSDTTƯ). Tuy nhiên, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận số vắc xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc xin; hoặc điều chuyển vắc xin được phân bổ.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm chủng số lượng vắc xin được phân bổ, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả. Nếu địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc xin để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch, phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng.

Theo Bộ Y tế, WHO từng nhận định đại dịch Covid-19 có thể kết thúc trong năm nay (2022). Nhưng đánh giá mới nhất của WHO đến thời điểm hiện tại là “đại dịch chưa kết thúc”. WHO vẫn có các báo cáo diễn biến dịch, sự biến đổi, tiến hóa của vi rút SARS-CoV-2.

Trước đây, các giám sát cho thấy vi rút này thường biến đổi, xuất hiện chủng mới sau khoảng 3 - 4 tháng, gần đây nhất là sự xuất hiện của Omicron. Chủng Omicron này hiện đã được 6 tháng và đã có 2 biến thể phụ. “Sự tiến hóa của vi rút này là không lường trước được. Trong khi đó, miễn dịch có thể giảm thấp theo thời gian. Vì vậy, việc tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin Covid-19 là cần thiết, để củng cố miễn dịch”, một chuyên gia của Cục Y tế dự phòng cho biết.

Theo chuyên gia này, hiện các ca mắc Covid-19 và tử vong do Covid-19 giảm mạnh là kết quả bao phủ vắc xin, và miễn dịch tự nhiên do từng mắc bệnh (nhiễm Covid-19). Nhưng miễn dịch không bền vững, sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, cần tiêm chủng để củng cố miễn dịch. Vì vi rút biến đổi, tiến hóa khó lường, chưa thể loại trừ nguy cơ dịch bùng trở lại khi miễn dịch trong cộng đồng giảm thấp.

Dịch Covid-19 đang ở mức nào?

Theo Bộ Y tế, số ca mắc Covid-19 mới, số nặng, số tử vong có giảm mạnh tại hầu hết các tỉnh, thành. Các ngày gần đây hiện ghi nhận dưới 1.000 ca mắc mới mỗi ngày (thấp nhất trong khoảng 11 tháng qua); riêng 1 tuần gần đây chỉ ghi nhận 0 - 1 ca tử vong/ngày trên toàn quốc; hiện chỉ còn hơn 40 ca nặng đang điều trị (thấp nhất trong 11 tháng qua).

Các địa phương tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng cho người dân nâng cao sức khỏe; cảnh báo với các biến chủng mới; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19; không chủ quan sau khi mắc bệnh; tiếp tục rà soát đối tượng, tập trung đẩy mạnh việc tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành trong quý 2/2022 và tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.

Việc tiêm chủng vắc xin Covid-19 nhằm đạt các mục tiêu tiêm chủng theo chỉ đạo của Thủ tướng và tránh lãng phí.

Theo WHO, đại dịch Covid-19 chưa kết thúc. Các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn đang xuất hiện và lây lan. Hiện biến thể phụ BA.2.12.1 của biến thể Omicron, tiến hóa từ BA.2, được cho là lây lan nhanh hơn so với tất cả các dòng phụ trước đó của Omicron.

Hàng tỉ người tại các quốc gia đã được chủng ngừa Covid-19. Tiêm vắc xin là một trong những điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo vệ bản thân chống lại Covid-19, giúp chấm dứt đại dịch và ngăn chặn các biến thể mới xuất hiện.

Sử dụng tất cả các liều vắc xin Covid-19 mà cơ quan y tế khuyến cáo ngay khi đến lượt, bao gồm cả liều nhắc lại nếu được khuyến nghị. Nếu nhiễm Covid-19 sau khi tiêm chủng, nhiều khả năng bị nhẹ hoặc không có triệu chứng hơn so với khi chưa được tiêm chủng.

Các vắc xin Covid-19 hiện tại cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ chống lại bệnh tật nghiêm trọng và tử vong do các biến thể Omicron và Delta của vi rút gây ra Covid-19. Tiêm phòng đầy đủ cũng sẽ giúp giảm khả năng xuất hiện các biến thể mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.