Tiêm vắc xin hay để cơ thể mắc bệnh sản sinh kháng thể phục hồi?

28/06/2024 12:44 GMT+7

Trong bối cảnh thế giới chịu nhiều tác động của nguy cơ bệnh truyền nhiễm, việc tiêm vắc xin trở thành 'lá chắn' vững chắc không chỉ tạo nên miễn dịch cho một cá nhân mà còn là miễn dịch cộng đồng.

Vừa qua, Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tiếp nhận trường hợp người bệnh P.V.A (32 tuổi, ngụ tại TP.HCM) đến tiêm vắc xin dại trong tình trạng bàn tay có vết thương do mèo nhà cắn.

Trước đó 3 ngày, chị A. đã tiêm mũi 1, hôm nay đến bệnh viện tiêm tiếp mũi 2. Theo phác đồ, người bệnh còn 3 mũi tiêm phòng bệnh dại nữa mới hoàn thành.

Hiện nay, bệnh dại không có thuốc đặc trị. Người bệnh khi được xác định mắc bệnh dại thì tỷ lệ tử vong là 100%. Do đó tiêm phòng là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ tính mạng của bản thân.

Tiêm vắc xin hay để cơ thể mắc bệnh sản sinh kháng thể phục hồi?- Ảnh 1.

Tiêm vắc xin có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe

BVCC

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

TS-BS Nguyễn Huy Luân, Trưởng Đơn vị tiêm chủng, BV ĐHYD TP.HCM, cho biết vắc xin được xem là một phát minh vĩ đại của y học, tương quan với việc phát hiện ra kháng sinh. Nếu như kháng sinh gắn liền với giai đoạn điều trị bệnh thì vắc xin sẽ giúp cho chúng ta phòng ngừa bệnh từ sớm.

Tuy nhiên một số người có quan niệm rằng thay vì tiêm vắc xin, hãy để cơ thể tự mắc bệnh và tự sản sinh ra kháng thể phục hồi. Chia sẻ thêm về quan điểm này, TS-BS Nguyễn Huy Luân cho biết so với việc tiêm vắc xin, người bệnh tự mắc bệnh có thể phải đối diện với rủi ro như: Thời gian bệnh kéo dài; bệnh nặng dễ biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong; chi phí điều trị tốn kém và dễ lây lan cho người khác.

Nếu đã từng tiêm vắc xin phòng bệnh trước đó, người bệnh khi tiếp xúc với mầm bệnh sẽ không mắc bệnh hoặc chỉ mắc bệnh nhẹ, nhanh khỏi, đồng thời nguy cơ biến cố ngoài ý muốn cũng sẽ thấp hơn. Về phần chi phí, chi phí tiêm vắc xin được đánh giá ở mức hợp lý hơn rất nhiều so với chi phí điều trị bệnh và những tổn thất xung quanh gây ra do bệnh.

Tiêm chủng không bao giờ là muộn

Theo Th.S-BS Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng BV ĐHYD TP.HCM, khi còn là bào thai đến khi chào đời, trẻ đã tiếp nhận kháng thể thụ động từ người mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ. Tuy nhiên để cần được củng cố trí nhớ miễn dịch trẻ cần được tiêm vắc xin để hệ miễn dịch có thể "học" cách chủ động chống lại virus, vi khuẩn trong môi trường. Đến tuổi trưởng thành, nhu cầu giao tiếp nhiều, đi lại nhiều nơi, làm người lớn tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy hệ miễn dịch cần có thêm vắc xin phù hợp từng độ tuổi khác nhau để thêm khả năng phòng bệnh. Đặc biệt ở người lớn tuổi và mắc bệnh mạn tính, hệ miễn dịch suy yếu rất cần được tiêm vắc xin để nhắc nhớ lại. Như vậy, việc tiêm vắc xin là trọn đời để có thể bảo vệ sức khỏe của chúng ta dù ở bất kỳ độ tuổi nào.

Hiện nay với sự phát triển của các phương tiện di chuyển, việc chúng ta đi từ địa phương này sang địa phương khác, quốc gia này sang quốc gia khác trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Do đó việc mang mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác không chỉ thu nhỏ ở phạm vi một gia đình, một địa phương mà có thể lan rộng sang cộng đồng thế giới. Vì vậy Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế của nhiều nước hiện nay cũng đã khuyến cáo ngay cả việc chúng ta chuẩn bị đi du học, du lịch, định cư cũng đều cần tiêm vắc xin để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Với mong muốn giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của vắc xin và việc tiêm chủng đối với sức khỏe bản thân, sức khỏe xã hội, BV ĐHYD TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - sẻ chia với chủ đề "Vắc xin trọn đời - Tiêm chủng không bao giờ là muộn", theo dõi tại: https://bit.ly/vacxintrondoi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.