Tiền ảo Bitcoin, tiền ảo Pi: Nắm giữ, giao dịch là vi phạm pháp luật Việt Nam

Ngọc Lê
Ngọc Lê
16/05/2021 15:08 GMT+7

Theo các chuyên gia, nắm giữ cũng như thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo như tiền ảo Bitcoin, tiền ảo Pi... vì đó là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam .

Hoạt động tiền ảo vốn bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, nếu sử dụng làm phương tiện thanh toán có thể bị phạt hành chính và khởi tố hình sự theo quy định.

Không thể lợi nhuận 'khủng' như mời chào

Thời gian qua, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ quy định của pháp luật về tiền ảo, cho đến khi mất tiền thật.
Mới đây, Công an TP.Hà Nội phối hợp với Công an TP.HCM triệt phá vụ lừa đảo lập 4 sàn giao dịch vàng, tiền ảo, ngoại tệ trái phép là Rforex.com, Yaibroker, Vistaforex, Exswiss để chiêu dụ 12.000 người nạp vào 4,3 triệu USD rồi dùng các thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt. Vụ việc gây rúng động đối với những người đang tham gia đầu tư tiền ảo.
Lãnh đạo Công an TP.HCM đã cảnh báo tới người dân rất nhiều về hoạt động kinh doanh của các sàn giao dịch forex như quảng cáo, mời chào theo phương thức đa cấp với lời hứa đạt lợi nhuận cao nhưng lại an toàn không mất vốn, không cần đầu tư trí tuệ, thời gian. Các loại hình này đều có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bởi không có hình thức kinh doanh nào lợi nhuận khủng như lời mời chào khi tham gia đầu tư tiền ảo. 
"Người dân cần thận trọng khi tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh trên mạng để tránh bị mất tiền oan. Những cá nhân tham gia đầu tư vào sàn giao dịch forex là đang tiếp tay cho các hoạt động vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự", Công an TP.HCM cảnh báo.

Rủi ro khi đầu tư tiền ảo

Luật sư (LS) Nguyễn Thành Công (thuộc Đoàn LS TP.HCM) phân tích, nhiều người tham gia tiền ảo với kỳ vọng lợi nhuận cao, họ tin vào cam kết về lợi nhuận được trả khi tham gia góp vốn, đầu tư từ 20 đến 30 % hoặc hơn thế/tháng. Trên thị trường, đã và đang có nhiều người vướng vào những vụ tham gia đầu tư tiền ảo, đa cấp. Các đối tượng đánh vào lòng tham của người tham gia.
Theo LS Công, tiền kỹ thuật số (tiền ảo) như Bitcoin, Pi không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng. Sự xuất hiện của tiền ảo đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng, đặc biệt người sở hữu tiền ảo sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm về công nghệ cao - Bộ Công an cũng cho rằng, Bitcoin, Pi và các loại tiền ảo tương tự không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
LS Nguyễn Thành Công nói thêm, theo khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (gồm tiền ảo) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 50 - 100 triệu đồng.
"Từ ngày 1.1.2018, người nào thực hiện các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán gây thiệt hại sẽ bị xử lý về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo điều 174 hoặc tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo Điểm h khoản 1 điều 206 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)". Trường hợp gây thiệt hại từ 3 tỉ đồng trở lên, thì có thể bị phạt tù đến 20 năm", LS Công nhấn mạnh.
LS Công cho biết, các cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ cũng như thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo như tiền ảo Bitcoin, tiền ảo Pi... vì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.