Hiểu một cách đơn giản là khi tính trả giá điện kinh doanh, có nghĩa là chúng ta công nhận đây là một hoạt động kinh doanh mà sản phẩm của loại hình này là các loại tiền ảo.
Mà được công nhận như một loại hàng hóa thì cũng có nghĩa được tự do mua bán, trao đổi, khai thác, phát hành... Đáng nói là theo Bộ Công thương, quyết định này được đưa ra trên cơ sở tham vấn ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp.
Trong khi nhiều lần trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định, phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 triệu đến 200 triệu đồng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tiền ảo không được công nhận ở VN. Đã không công nhận nhưng lại thu tiền kinh doanh, vậy là sao?
Năm 2107, khi máy đào tiền ảo ùn ùn nhập về VN, hải quan bối rối không biết ứng xử thế nào với trường hợp này. Máy thì không nằm trong diện cấm nhập nhưng tiền ảo thì bất hợp pháp khiến họ tiến thoái lưỡng nan, phải gửi văn bản hỏi ý kiến. Từ đó đến nay, chưa thấy câu trả lời chính thức về việc cho nhập máy đào Bitcoin hay không thì có thể nói, Bộ Công thương đã tiến thêm một bước trong việc công nhận tiền ảo khi tính giá điện kinh doanh cho máy đào Bitcoin, Litecoin, Ethereum...
Việc tính giá điện kinh doanh không chỉ vô hình trung hợp pháp hóa mà còn khuyến khích việc đào tiền ảo. Điều này đi ngược với chủ trương nói không với những ngành nghề tiêu tốn năng lượng của Chính phủ. Trong khi điện còn thiếu, vào những giai đoạn cao điểm buộc phải cắt điện luân phiên, rồi mua điện nước ngoài... thì việc chấp nhận tiêu tốn điện năng cho việc đào tiền ảo, loại tiền gây ra rất nhiều hệ lụy kinh tế, xã hội và ngày càng biến chứng với nhiều hình thức lừa đảo tinh vi là điều hết sức mâu thuẫn và khó hiểu.
Đáng nói là trong khi chúng ta vẫn cứ bất nhất; chỗ này cấm, chỗ kia mở thì thế giới lại rất kiên quyết, rõ ràng và mạnh mẽ với tiền ảo. Tuần trước, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương các nước phối hợp siết tiền ảo không để các tài sản này trở thành công cụ mới cho việc rửa tiền và tài trợ khủng bố. Bộ Tài chính Thái Lan cũng đệ trình một dự luật nhằm ngăn chặn việc lợi dụng tiền kỹ thuật số để rửa tiền và gian lận.
Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, cũng thông báo cấm các quảng cáo liên quan đến tiền điện tử vì cho rằng những nội dung này thường gây nhầm lẫn hoặc mang tính lừa đảo. Các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ đã cấm giao dịch tiền ảo. Liên minh Châu Âu (EU) cũng lên tiếng yêu cầu siết chặt kiểm soát tiền kỹ thuật số.
Công nhận hay không phải rõ ràng, kiên quyết và nhất quán chứ không làm chính sách theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, ai muốn hiểu sao cũng được như thế này.
Bình luận (0)