Tiền đâu chống biến đổi khí hậu?

13/12/2017 07:58 GMT+7

Hai năm sau Hiệp định Paris, nước Pháp lại tiếp tục nỗ lực kêu gọi các nước phát triển tăng cường đầu tư vào năng lượng sạch và công tác ứng phó tác động của biển đổi khí hậu.

Ngày 12.12.2015 tại Paris, gần 200 nước đạt thỏa thuận lịch sử về việc giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C cho đến năm 2100, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Đúng 2 năm sau đó, các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục tụ họp tại Paris nhưng lần này nhằm bàn về nguồn kinh phí để đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Ngày 12.12.2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp hơn 50 nhà lãnh đạo các nước cùng hàng trăm quan chức tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu Một hành tinh (One Planet Summit) tại Paris. Hội nghị nhằm thảo luận về các dự án kinh tế thân thiện với môi trường, đồng thời kêu gọi sự đồng thuận của các nước về một cam kết tài chính nhằm đối phó với biến đổi khí hậu.
Trong số khách mời có Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và lãnh đạo các nước Anh, Mexico, Tây Ban Nha... Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump không có mặt tại sự kiện này vì không được mời.
Hội nghị diễn ra chỉ vài tháng sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 vì cho rằng thỏa thuận này sẽ khiến nước Mỹ mất đi hàng tỉ USD đầu tư và nhiều công ăn việc làm.
Thực tế là sau tuyên bố gây sốc của Tổng thống Mỹ hồi tháng 6, Pháp và một số nước khác vẫn để ngỏ mong muốn Mỹ suy xét lại quyết định rút khỏi hiệp định. Tổng thống Macron hồi tháng 11 cho biết ông Trump có thể được mời nếu đưa ra tuyên bố cho thấy ông sẵn sàng nhập hội và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, theo tờ Time. Tuy nhiên, chính quyền Trump sau đó không hề có động thái nào chứng tỏ sự cân nhắc lại, kể cả tại Hội nghị cấp cao của LHQ về biến đổi khí hậu (COP23) diễn ra ở Bonn, Đức hồi tháng 11.
Vắng mặt nhiều “ống khói”
Ngoài Tổng thống Trump, lãnh đạo của những nước công nghiệp có lượng khí thải nhiều nhất thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga hay Canada đều cũng không tham dự hội nghị Một hành tinh lần này. Tờ Le Monde dẫn số liệu của Tổ chức Global Carbon Project (GCP) cho thấy lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và ngành công nghiệp của Trung Quốc trong năm 2016 là 10,1 tỉ tấn, nhiều nhất thế giới (28%). Xếp sau đó lần lượt là Mỹ (15%), Liên minh Châu Âu (10%), Ấn Độ (7%)...
Vấn đề tài chính được xem là chủ đề chính tại hội nghị Một hành tinh lần này, giữa những lo ngại từ các nước đang phát triển về việc không được hỗ trợ đủ để tham gia vào việc chống biến đổi khí hậu. Hiệp định Paris hồi năm 2015 bao gồm điều khoản kêu gọi các nước phát triển từ năm 2020 hỗ trợ 100 tỉ USD hằng năm cho những dự án chuyển đổi sử dụng năng lượng và đối phó tác động biến đổi khí hậu của những nước đang phát triển. Theo GCP, 78% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu được sản sinh ra từ 20 nước, trong đó đa phần là những nước lớn đã nêu ở trên.
Tuy nhiên, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (trụ sở tại Pháp) dự báo con số 100 tỉ USD này vẫn còn rất xa vời. Hơn nữa, chính quyền Mỹ thời gian qua cũng thông báo rút lại cam kết chi 2 tỉ USD cho Quỹ Khí hậu xanh tài trợ cho các nước đang phát triển, khiến cho cuộc chiến bảo vệ khí hậu toàn cầu ngày càng trắc trở.
Ông Mohamed Adow, lãnh đạo chương trình về biến đổi khí hậu thuộc Tổ chức từ thiện Christian Aid (trụ sở tại Anh), nhận định mảnh ghép còn thiếu hiện nay là nguồn tài trợ cho các nước nghèo được tiếp cận với năng lượng sạch để họ không đi theo con đường sử dụng năng lượng hóa thạch của các nước giàu. “Nếu không có nguồn tài chính cân bằng, các nước đang phát triển sẽ không thể nào đối phó với biến đổi khí hậu hay giảm lượng khí carbon đủ nhanh theo mục tiêu của Hiệp định Paris”, ông Adow dự báo.
Các nhà đầu tư hành động
Hơn 200 nhà đầu tư với tổng số tài sản là 26.000 tỉ USD ngày 12.12 ký kết tham gia sáng kiến Hành động vì khí hậu 100+, gia tăng áp lực buộc 100 công ty gây ra 15% tổng lượng khí thải toàn cầu phải hợp tác trong việc chống biến đổi khí hậu theo Hiệp định Paris trong kế hoạch 5 năm, theo Reuters. Những nhà đầu tư này có cổ phần trong các tập đoàn lớn như Coal India, Gazprom, Exxon Mobil hay tập đoàn hóa dầu Trung Quốc. Nếu làm đúng theo kế hoạch, khoảng 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ được cắt giảm vào năm 2050. Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin về khí thải của công ty cũng được xúc tiến trong khi việc rút đầu tư sẽ là biện pháp cuối cùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.