Tiền Giang chấn chỉnh việc đi lại và bổ sung đối tượng hưởng trợ cấp Covid-19

Bắc Bình
Bắc Bình
05/10/2021 13:00 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, vừa ký ban hành công văn chấn chỉnh việc cấp giấy đi đường của một số địa phương cấp huyện và lưu ý tinh thần giãn cách “ai ở đó ở đó”.

Ngày 5.10, Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang phát đi công văn do ông Nguyễn Văn Mười, Phó chủ tịch UBND tỉnh, ký về việc chấn chỉnh đề nghị cấp giấy đi đường cho người dân di chuyển đến các tỉnh, thành trong thời gian giãn cách xã hội.

Theo đó, ông Mười lưu ý các địa phương cấp huyện về các công điện 1063 và 1265 của Thủ tướng về việc hạn chế đi lại của người dân và “ai ở đâu ở đó” trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Hiện, toàn tỉnh Tiền Giang đang thực hiện Chỉ thị 15 để phòng chống dịch. Tiền Giang tiếp tục kiểm soát chặt người đi về từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Những người về từ ngoài tỉnh, nếu được test nhanh âm tính tại các cửa ngõ vào tỉnh, thì phải cách ly y tế theo quy định tại huyện nhà mình.

Toàn tỉnh Tiền Giang đang áp dụng Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Một con hẻm ven QL1 ở TT.Tân Hiệp, H.Châu Thành, Tiền Giang.

BẮC BÌNH

Theo ông Mười, thời gian qua, UBND TP.Mỹ Tho và các huyện Cái Bè, Châu Thành đã thực hiện chưa nghiêm túc tinh thần trên thông qua việc đã đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang cấp giấy đi đường cho người dân di chuyển khỏi địa bàn tỉnh. Cụ thể, 3 địa phương này không trình lên UBND tỉnh Tiền Giang mà giao Văn phòng HĐND-UBND của mình để xác nhận cấp giấy đi đường cho dân. UBND tỉnh Tiền Giang trả nhiều tờ trình kèm hồ sơ xin di chuyển của người dân thông qua UBND H.Châu Thành và Cái Bè; Trả các giấy xác nhận của Văn phòng UBND TP.Mỹ Tho mà không có văn bản của lãnh đạo UBND TP.Mỹ Tho trình lên UBND tỉnh Tiền Giang.

Ngày 5.10: Thông báo 134 ca Covid-19 tử vong tại 9 tỉnh thành

Ông Nguyễn Văn Mười chỉ đạo các địa phương cấp huyện phải tiếp tục vận động người dân “ai ở đâu ở yên đó”, chỉ ra khỏi địa bàn trong trường hợp thực sự cấp bách, cần thiết như: đi khám, chữa bệnh theo giấy chuyển viện của bệnh viện, đưa đón người bệnh hiểm nghèo, con nhỏ, phụ nữ mang thai, đi phỏng vấn để được cấp visa xuất cảnh đi nước ngoài và một số trường hợp cấp bách khác.

Khi công dân muốn di chuyển ngoài tỉnh thì gửi đơn lên UBND cấp huyện. Chủ tịch hoặc phó chủ tịch UBND cấp huyện ký gửi UBND tỉnh để xin cấp giấy đi đường, trong đó phải ghi rõ lý do cấp thiết của người ra khỏi tỉnh và chịu trách nhiệm về việc này.

Việc di chuyển trong địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng đang được quản lý rất chặt chẽ.

BẮC BÌNH

Theo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Tiền Giang, từ đầu tháng 6 đến nay, tỉnh ghi nhận 14.172 ca nhiễm Covid-19. Trong ngày có 52 ca nhiễm mới, trong đó có 31 ca phát hiện trong khu cách ly là người tiếp xúc trực tiếp với F0; 13 ca trong khu vực phong tỏa; 4 ca có triệu chứng nên đến test tại cơ sở y tế thuộc xã An Thái Đông, H.Cái Bè và P.3, TX.Gò Công; 4 ca phát hiện qua sàng lọc cộng đồng tại P.4 và P.8 TP.Mỹ Tho.

Ai sẽ được hỗ trợ do khó khăn do Covid-19 tại Tiền Giang?

Ông Lý Văn Cẩm, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Tiền Giang, cho biết UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt kinh phí hơn 60 tỉ đồng hỗ trợ cho 41.154 lao động. Trong đó, hơn 12.000/13.000 người bán vé số dạo đã nhận được 1,5 triệu đồng/người. Còn lại là lao động ở nhóm khác.

Tỉnh Tiền Giang chuẩn bị phát đợt 2 gạo từ nguồn hỗ trợ từ Chính phủ.

BẮC BÌNH

Về việc phát gạo từ nguồn hỗ trợ từ Chính phủ cho tỉnh Tiền Giang, ông Cẩm cho biết cũng đã phân phát về các địa phương đợt 2 với 1.515 tấn, dự kiến phát từ ngày 6 đến ngày 8.10.

Theo ông Cẩm, do tiến độ hỗ trợ của tỉnh Tiền Giang chậm so với nhiều tỉnh, thành khác nên ngày 2.10, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 2604 để mở rộng đối tượng được hỗ trợ do khó khăn do Covid-19. Quyết định giải ngân sẽ do UBND cấp huyện trực tiếp phê duyệt (thay vì cấp tỉnh như thời gian qua) từ các danh sách của UBND cấp xã gửi lên.

Theo đó, từ nay đến hết ngày 15.1.2022, những người sau đây nếu muốn nhận được trợ cấp từ nhà nước chỉ cần đến đăng ký với UBND cấp xã nơi cư trú. Gồm bán hàng rong hoặc buôn bán lẻ không có điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Bốc vác, vận chuyển hàng hóa, chạy xe ôm, xích lô chở khách; Bán vé số lưu động; Người tự làm hoặc làm thuê tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (cơ sở có 2 người tự làm chỉ hỗ trợ cho 1 người); Người tự làm hoặc làm thuê trong các cơ sở làm đẹp. Phục vụ quán bar, karaoke, bi da, hát với nhau, các cơ sở kinh doanh thể dục, thể thao,…Giúp việc nhà; Thợ hồ, phụ hồ, thợ điện, nước,…trong các công trình xây dựng; Tài xế chạy xe dịch vụ cho các cơ sở có đăng ký kinh doanh; Chủ các tiệm sửa xe gắn máy, xe đạp mà không có thuê mướn lao động; Lao động làm thuê tại các tiệm sửa xe gắn máy, xe đạp. Người lao động có hộ nghèo, cận nghèo làm thuê không cố định trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động thời vụ; Nhận khoán việc tại các doanh nghiệp, cơ sở du lịch, lưu trú, ăn uống mà bị mất việc do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.