Cảng vừa hoạt động đã bị phát mãi
Xác minh theo phản ánh từ Công ty TNHH xăng dầu Hồng Đức (gọi tắt Công ty Hồng Đức - trụ sở tại Tiền Giang), PV Thanh Niên ghi nhận hiện Công ty Hồng Đức đã tiếp nhận một phần trong hệ thống cảng Thanh Hiểu ở xã Bình Đức, H.Châu Thành, Tiền Giang.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Trưng, đại diện Công ty Hồng Đức, hơn 3,3 công (3.300 m2) đất bãi bồi giáp sông Tiền, thuộc cảng Thanh Hiểu, hiện vẫn do DNTN Thanh Hiểu (ông Đoàn Thanh Hiểu, ngụ Tiền Giang, làm chủ) nắm chủ quyền nên Công ty Hồng Đức chưa thể triển khai kinh doanh cảng lên xuống hàng hóa này. Sự việc đã kéo dài gần 2 năm, tính từ thời điểm Công ty Hồng Đức trúng đấu giá phát mãi tài sản của DNTN Thanh Hiểu.
Theo tài liệu, ngày 10.1.2018, Giám đốc Sở TN-MT Tiền Giang ký hợp đồng cho DNTN Thanh Hiểu thuê hơn 3,3 công đất bãi bồi sông Tiền làm cảng bốc dỡ hàng hóa Thanh Hiểu. Thời gian thuê đất 50 năm, tổng tiền thuê gần 2,9 tỉ đồng, được trả một lần vào ngân sách tỉnh Tiền Giang. Một trong những điều kiện ràng buộc của hợp đồng là DNTN Thanh Hiểu chỉ dùng đất này để làm cảng bốc dỡ hàng hóa; nếu bị phá sản, phát mãi tài sản hoặc giải thể thì hợp đồng vô hiệu và đơn vị tiếp quản cảng Thanh Hiểu sẽ nối tiếp thuê diện tích đất bãi bồi này để kinh doanh cảng.
Trong khi đó, ngày 29.5.2020, DNTD Thanh Hiểu đã thỏa thuận xong với chủ nợ là Ngân hàng TMCP An Bình việc phát mãi bán đấu giá toàn bộ hệ thống cảng Thanh Hiểu để phía ngân hàng thu hồi nợ.
Ngày 9.6.2022, Công ty Hồng Đức trúng đấu giá mua toàn bộ cảng Thanh Hiểu với số tiền hơn 41 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi Công ty Hồng Đức trúng đấu giá thì ngày 2.8.2022 DNTN Thanh Hiểu hoàn thành các nghĩa vụ tài chính để được Sở TN-MT Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất nêu trên với thời gian 50 năm.
Sau đó, giữa Công ty Hồng Đức và DNTN Thanh Hiểu phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quyền sử dụng 3,3 công đất bãi bồi thuộc hệ thống cảng Thanh Hiểu.
Ai được thuê đất bãi bồi thuộc hệ thống cảng Thanh Hiểu?
Tháng 9.2023, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án dân sự phúc thẩm (Công ty Hồng Đức là nguyên đơn), khẳng định từ hợp đồng thuê đất năm 2018 giữa Sở TN-MT Tiền Giang với DNTN Thanh Hiểu đã đủ điều kiện để Sở TN-MT Tiền Giang hủy hợp đồng với DNTN Thanh Hiểu (phát mãi tài sản) để chuyển hợp đồng nối tiếp về thời gian thuê còn lại sang cho Công ty Hồng Đức. Điều quan trọng nữa là Công ty Hồng Đức vẫn sử dụng 3,3 công đất này để tiếp tục thực hiện dự án cảng bốc dỡ hàng hóa, đúng với mục đích sử dụng đất mà UBND tỉnh Tiền Giang đã duyệt trước đó.
Ngoài ra, phần đất 3,3 công do nhà nước cho thuê hiện đang được xây dựng cầu cảng (giá trị hơn 19 tỉ đồng trong toàn bộ hệ thống cảng Thanh Hiểu bán phát mãi với giá hơn 41 tỉ đồng). Cầu cảng có giá trị rất lớn và là một phần không thể tách rời của hệ thống cảng Thanh Hiểu. Do đó, Sở TN-MT Tiền Giang phải hướng dẫn Công ty Hồng Đức thực hiện các thủ tục thuê lại trong thời gian còn lại theo hợp đồng của DNTN Thanh Hiểu và trực tiếp hủy hợp đồng cho thuê với DNTN Thanh Hiểu.
DNTN Thanh Hiểu sau đó đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang.
Ngày 28.3.2024, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM có văn bản trả lời "không có cơ sở chấp nhận kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm". Theo đó, bản án phúc thẩm buộc DNTN Thanh Hiểu tiếp tục ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá và giao các tài sản đấu giá, bao gồm cả phần đất bãi bồi thuê của UBND tỉnh Tiền Giang cho Công ty Hồng Đức; trên cơ sở yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chấm dứt hợp đồng thuê đất với DNTN Thanh Hiểu và cho Công ty Hồng Đức thuê phần đất bãi bồi để tiếp tục khai thác hệ thống cảng là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
"Chúng tôi đã trả lại toàn bộ số tiền gần 2,9 tỉ đồng mà DNTN Thanh Hiểu trả tiền thuê đất và nhiều lần có văn bản yêu cầu Sở TN-MT Tiền Giang hướng dẫn thủ tục để Công ty Hồng Đức thực hiện nhằm thuê lại diện tích đất làm cảng. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn đang chờ hướng dẫn", ông Nguyễn Hoàng Trưng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Sở TN-MT Tiền Giang, xác nhận sở đã nhận văn bản yêu cầu từ Công ty Hồng Đức nhưng chưa có phản hồi. Ông Phương cũng khẳng định, Sở TN-MT Tiền Giang không thể có hướng dẫn gì cho Công ty Hồng Đức trong lúc này.
"Đã có bản án có hiệu lực pháp luật, lẽ ra phía Công ty Hồng Đức phải liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự đối với vụ án này chứ tại sao liên hệ với Sở TN-MT Tiền Giang", ông Phương nói.
Ngày 1.8, ông Hứa Văn Bắc, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án Dân sự H.Châu Thành (Tiền Giang), cho biết bản án tranh chấp giữa Công ty Hồng Đức và DNTN Thanh Hiểu hiện đã được thi hành. Các tài sản tranh chấp cơ bản đã được bàn giao cho Công ty Hồng Đức và ghi nhận phía Công ty Hồng Đức có thiện chí trả đủ số tiền mà DNTN Thanh Hiểu đã trả tiền thuê thửa đất bãi bồi ở phía sau (gần 2,9 tỉ đồng).
Về những vấn đề liên quan việc cho thuê đất bãi bồi, chấm dứt hợp đồng, thay đổi chủ thể cho thuê... thuộc thẩm quyền trực tiếp là Sở TN-MT Tiền Giang. Do đó, Chi cục Thi hành án Dân sự H.Châu Thành đã có những văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong khuôn khổ bản án dân sự phúc thẩm đã có hiệu lực.
Bình luận (0)