Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội (QH) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu (ĐB) QH, dự thảo luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn như đất đai, khoáng sản, tần số vô tuyến điện. Mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm.
Điều này, theo UBTVQH là để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc cũng như thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.
Không chỉ quy định nâng mức tiền đặt trước
Với các đề xuất cần tăng mức tiền đặt cọc đối với một số tài sản đặc thù đất đai, khoáng sản, theo ông Thanh là không phù hợp vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn. Ông Thanh dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5 - 20% của luật Đấu giá tài sản hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
UBTVQH cũng cho rằng việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng. Cùng đó, UBTVQH cũng cho rằng việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá "bỏ cọc" phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.
Tuy nhiên, UBTVQH đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc.
Về chế tài với tổ chức, cá nhân "bỏ cọc", ông Vũ Hồng Thanh cho biết dự thảo luật đã bổ sung quy định người tham gia đấu giá tài sản đất đai, khoáng sản bỏ cọc, không thực hiện kết quả trúng đấu giá thì tùy theo tính chất, mức độ, bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm.
Bên cạnh đó, theo ông Thanh, hiện bộ luật Hình sự đã có quy định về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản và chế tài hình sự đối với hành vi thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản. Nghị định 82/2020 của Chính phủ cũng đã quy định chế tài xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm tương ứng, trong đó có hành vi thông đồng, dìm giá. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng quy định tại Nghị định 82 chưa đủ sức răn đe nên đề nghị Chính phủ sửa đổi nghị định này để nâng mức xử phạt hành chính, nhất là với hành vi bỏ cọc, thông đồng, dìm giá hoặc nâng giá trong hoạt động đấu giá tài sản.
Thảo luận sau đó, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị chế tài cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm cần được áp dụng với tất cả các loại tài sản đấu giá không chỉ áp dụng với 2 loại tài sản đất đai và khoáng sản.
"Vừa rồi đấu giá biển số xe, họ trúng đấu giá rồi họ bỏ. Sau đó đấu giá lại họ lại tham gia đấu giá với mức tiền chỉ bằng hơn một nửa lần đầu mà chúng ta không có một biện pháp chế tài nào cụ thể", ĐB Hòa nêu.
Không nên cấm cha mẹ, con cái cùng đấu giá
Dự thảo luật Đấu giá tài sản sửa đổi đề xuất cấm cha mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột tham gia đấu giá cùng một tài sản. Quy định này được cho là sẽ tăng tính khách quan, minh bạch, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá. Trường hợp vi phạm dẫn đến sai lệch, kết quả đấu giá có thể sẽ bị hủy.
Tuy nhiên, ĐB Trần Văn Tuấn, đoàn Bắc Giang, không đồng tình với đề xuất trên. Theo ông, Hiến pháp, bộ luật Dân sự và cả luật Hôn nhân và gia đình đều quy định mọi công dân, bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột, có quyền sở hữu tài sản riêng, nhất là khi họ đã có gia đình riêng, thu nhập riêng. Quy định như dự thảo sẽ hạn chế quyền này của công dân.
Về mặt thực tế, việc cấm những người có quan hệ huyết thống hoặc hôn nhân tham gia đấu giá còn làm phát sinh thủ tục hành chính đối với tổ chức đấu giá cũng như người tham gia đấu giá. Để kiểm soát việc có quan hệ hôn nhân, huyết thống hay không, người tham gia đấu giá sẽ phải xuất trình bản sao giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn… Trong khi đó, một cuộc đấu giá có tới hàng trăm khách hàng tham gia, rà soát thủ tục như vậy là vô cùng nan giải, khó thực hiện. Chưa kể, khi kiểm tra thủ tục nhưng không phát hiện, đến khi đấu giá xong mới biết người tham gia có quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống, dẫn đến phải hủy kết quả trúng đấu giá để đấu giá lại. Điều này sẽ tạo ra hệ lụy rất lớn, gây tốn kém, lãng phí; đối diện tranh chấp, khiếu kiện phức tạp.
Liên quan nội dung này, báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH cũng cho thấy một số ý kiến đề nghị bỏ quy định cấm người trong gia đình không được đăng ký tham gia đấu giá. Bởi lẽ, tình trạng thông đồng, dìm giá chủ yếu xảy ra ở việc móc nối với tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá khác để trục lợi. Hay như lời ĐB Phạm Văn Hòa nói, nếu muốn thì "đâu chỉ vợ chồng, anh em, người dưng nước lã cũng móc ngoặc, tiêu cực được mà".
Bình luận (0)