Tiền mất tật mang với agency 'dỏm'

10/12/2022 06:11 GMT+7

“Agency” là từ chỉ một bên chuyên cung cấp các dịch vụ về truyền thông, quảng cáo cho khách hàng/nhãn hàng - “Client”, trong đó bao gồm cả cá nhân có tầm ảnh hưởng (KOL), Facebooker, TikToker… Nhưng điều đáng nói, không phải “agency” nào cũng chất lượng.

Như mới đây, TikToker Nờ Ô Nô với hơn 600.000 người theo dõi (người này cũng chuyên nhận quảng cáo sản phẩm) bị phạt 7,5 triệu đồng về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” theo điểm b khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020.

TikToker Nờ Ô Nô vấp phải làn sóng phản ứng của cư dân mạng vì có những phát ngôn thiếu chuẩn mực với người lớn tuổi

CHỤP MÀN HÌNH

Trước đó, tài khoản này đăng tải nhiều video với chủ đề “Người nghèo ăn gì, Nờ Ô Nô cho ăn đó”. Đỉnh điểm, TikToker này đăng tải một video và bị cộng đồng tẩy chay khi sử dụng nội dung “bẩn”, phản cảm. Bộ TT-TT công bố: “Kênh Nờ Ô Nô vi phạm, vì vậy, nhãn hàng nào book quảng cáo vào kênh đó thì nhãn hàng đó cũng vi phạm”.

Thế nên mới nói, nếu chẳng may va vào các “đối tác” này, thương hiệu, sản phẩm của nhãn hàng không chỉ không tiệm cận người dùng, ngược lại, còn gặp rắc rối vì vi phạm pháp luật.

Thực tế, theo Bộ TT-TT, vi phạm hoạt động quảng cáo trên không gian mạng vẫn diễn ra tràn lan. Rất ít doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài đăng ký với Bộ TT-TT, trong đó có Meta, Amazon, LinkedIn…

Còn các kênh YouTube, Facebook cho người dùng đăng tải tràn lan nội dung vi phạm pháp luật và bật kiếm tiền, cho phép cài đặt quảng cáo trên các kênh, trang, tài khoản đó.

Để quảng cáo sạch trên không gian mạng, bên cạnh yếu tố quản lý, điều tiết của nhà nước, người viết cho rằng, chính các doanh nghiệp, nhãn hàng mới là nhân tố quan trọng.

Nhãn hàng phải luôn cẩn trọng khi tìm hiểu kỹ đối tác (như đúng sở trường quảng cáo, cung cấp nội dung quảng cáo sạch…) để ký kết. Chứ không khéo lại “tiền mất, tật mang”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.