Tiến sĩ về quê làm bảo tàng nước mắm

Quế Hà
Quế Hà
23/01/2020 09:00 GMT+7

Đang làm việc tại Mỹ với mức lương 20.000 USD mỗi tháng nhưng tiến sĩ Trần Ngọc Dũng đã bỏ về quê hương xây dựng bảo tàng nước mắm và quảng bá văn hóa làng chài xứ biển Phan Thiết.

Muốn giữ lại văn hóa làng chài

Sau khi đậu thủ khoa Trường đại học Kinh tế TP.HCM, Trần Ngọc Dũng có học bổng sang Đại học Monash (Melbourne, Úc) học 4 năm chuyên ngành quản trị kinh doanh. Năm 1998 về nước, Dũng mở công ty tại TP.HCM, kinh doanh cho đến năm 2004 thì kiếm được học bổng học thạc sĩ, rồi nghiên cứu sinh tiếp tiến sĩ tại Đại học Sorbonne (Pháp). Với tấm bằng tiến sĩ giỏi maketing, Dũng được một doanh nghiệp ở Mỹ trả lương tới 20.000 USD/tháng để chuyên nghiên cứu phân tích thị trường cho họ tại VN.
Sinh ra và lớn lên ở cửa biển Cà Ty (phường Bình Hưng, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Trần Ngọc Dũng hiểu rất rõ văn hóa của làng chài quê mình. Bên cạnh đó, nhiều năm học tập và nghiên cứu ở nước ngoài giúp anh có điều kiện tiếp cận sản phẩm, mô hình của nhiều nền văn hóa tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là ý tưởng biến văn hóa bản địa thành sản phẩm du lịch để quảng bá, thu hút du khách. Từ đó, anh nung nấu ý tưởng xây dựng một sản phẩm du lịch ngay từ làng chài xứ biển quê mình. “Ở xứ biển Phan Thiết có 2 nền văn hóa giao thoa là Chămpa và văn hóa của ngư dân làng chài. Giai thoại thờ nữ thần Siva của người Chăm và việc thờ thần cá Ông Nam Hải của ngư dân là các nền văn hóa lâu đời đang bị mai một. Đặc biệt, xứ biển này là nguồn gốc của nghề làm nước mắm truyền thống hàng trăm năm nay. Do vậy cần phải quảng bá, bảo tồn, lưu giữ cho con cháu đời sau”, anh Dũng phân tích.
Từ ý tưởng này, anh đã quyết tâm nghiên cứu và xây dựng sản phẩm “Làng Chài Xưa” tại Phan Thiết. Với vốn liếng kinh doanh nhiều năm của mình, anh đã chi hơn 100 tỉ đồng cho việc nghiên cứu và xây dựng sản phẩm văn hóa này. “Nói thì đơn giản nhưng tôi phải mất gần 3 năm để tái hiện huyền thoại văn hóa làng chài thành một vở diễn dài hơn 1 tiếng đồng hồ với khoảng 50 diễn viên người địa phương tham gia”, anh Dũng tâm sự.

... và giới thiệu du khách tham quan về làng nghề nước mắm truyền thống tại Phan Thiết

ảnh: Quế Hà

Bảo tàng nước mắm đầu tiên của Việt Nam

“Nếu chỉ nói đến văn hóa làng chài mà không nói đến nước mắm Phan Thiết thì chưa hoàn thiện. Do vậy, tôi quyết tâm xây dựng tiếp bảo tàng nước mắm để giới thiệu với du khách quá trình hình thành và phát triển của làng nghề truyền thống ở Phan Thiết. Đây cũng là bảo tàng nước mắm đầu tiên ở VN”, anh Dũng nói.
Bảo tàng nước mắm được xây dựng nhằm tái hiện toàn bộ nguồn gốc của nghề nước mắm truyền thống Phan Thiết. Du khách thăm bảo tàng có thể hình dung được quá trình hình thành nghề nước mắm truyền thống trong suốt 300 năm qua. “Có nhiều người đặt câu hỏi vì sao không đầu tư vào bất động sản, mà lại làm văn hóa du lịch? Tôi xin trả lời ngắn gọn, nếu muốn nhanh giàu thì không làm bảo tàng nước mắm”, anh Dũng cười và nói.
Theo anh Dũng, hiện nay 2 công ty lớn chuyên về lữ hành của Nga đã ký hợp đồng đưa khách đến Làng Chài Xưa của anh quanh năm. Nước mắm Tĩn của anh không chỉ bán cho người tiêu dùng ở TP.HCM, mà ra tận Hà Nội và các tỉnh phía bắc. “Dù chưa có lãi lớn, nhưng Làng Chài Xưa đã không lỗ và đủ thu chi để nuôi được 80 nhân viên người địa phương có việc làm quanh năm. Cái quan trọng hơn là tôi đã tạo ra một đứa con tinh thần về văn hóa cho quê hương”, anh Dũng đúc kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.