|
Theo đó, trên diện tích 10,5 ha tại Cụm công nghiệp Thương Tín (xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn), Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam đầu tư gần 392 tỉ đồng để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất trứng giống tằm của Nhật Bản để đưa về các vùng sản xuất dâu tằm trong tỉnh Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc.
Đồng thời, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ về các máy móc thiết bị hiện đại như máy cắt dâu... và công nghệ tiên tiến hoàn thiện quy trình sản xuất dâu, tằm, tơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm tơ tằm Việt Nam. Công suất thiết kế của dự án lên đến 500.000 m2 vải lụa/năm, 50.000 m2 thổ cẩm/năm, thêu và vẽ thủ công trên lụa đạt 35% sản phẩm…
Theo cam kết của công ty với UBND tỉnh Quảng Nam, từ quý 4/2019 - quý 4/2020, hoàn thành các thủ tục đầu tư, thủ tục môi trường, giải phóng mặt bằng, đất đai, phòng cháy chữa cháy và thẩm duyệt thiết kế bản vẽ thi công theo quy định. Từ quý 1/2021 đến quý 1/2023, khởi công và tiến hành xây dựng công trình và đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động từ quý 2/2023.
Từ năm 2018 đến nay, Công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam đã tài trợ cho một hợp tác xã ở Điện Quang (thị xã Điện Bàn) trồng dâu và ươm nuôi tằm, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong khi đó, tại huyện Duy Xuyên, một số hộ dân ở xã Duy Châu vẫn duy trì nuôi tằm truyền thống nhằm cung cấp nhộng làm thực phẩm… Đặc biệt, tại Duy Xuyên vẫn còn một cơ sở chuyên dệt, sản xuất tơ lụa Mã Châu nổi tiếng.
|
Theo ghi nhận của Sở Công thương Quảng Nam, làng tơ lụa Mã Châu từng được xem như “thủ phủ dâu tằm” xứ Quảng, chuyên cung cấp lụa cho vua chúa, giới quý tộc từ thế kỷ 16. Thời hưng thịnh, Mã Châu có đến 2.000 ha đất trồng dâu nuôi tằm. Làng tơ lụa Duy Trinh (H.Duy Xuyên) cũng nổi tiếng không kém, với gần 200 hộ trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa…
Sản phẩm của những làng nghề dâu tằm Quảng Nam hàng thế kỷ qua đã từng được thị trường các nước trong và ngoài khu vực biết đến. Giáo sĩ Alexandre de Rhode trong cuốn Hành trình và truyền giáo viết rằng: “Xứ này nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền”. Còn nhà truyền giáo Christophoro Borri trong cuốn Xứ Đàng Trong năm 1621 ghi nhận: “Lụa dư thừa đến nỗi người Đàng Trong đủ dùng riêng cho mình và còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu…”.
Bình luận (0)