Đầu tiên, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên - Môi trường một việc cực khó. Đó là chỉ ra những khoản chi phí nào thì được sử dụng trong phương pháp thặng dư, điều kiện nào được phép hay không được phép trong các phương pháp định giá đất khác? Trong khi phần định giá phải do Bộ Tài chính phụ trách.Trên tực tế, các công ty thẩm định giá đều do Bộ Tài chính cấp phép. Quy định về các phương pháp định giá vì thế đáng lẽ cũng phải do Bộ Tài chính.
"Nghị định quy định giá đất là vấn đề rộng lớn, liên quan đến định giá tài sản và liên quan đến đặc thù về đất đai. Không hiểu sao Bộ Tài nguyên - Môi trường lại trừ đi chi phí sử dụng đất, trừ chi phí lãi vay? Cách làm này cho thấy, chúng ta đang hiểu thặng dư chưa chuẩn theo kinh tế thị trường. Thặng dư khác với thu nhập, lợi nhuận. Trong khi chúng ta xử lý thặng dư theo cách hiểu lúc thì thu nhập, lúc thì lợi nhuận trước thuế hay lợi nhuận sau thuế là chưa ổn", ông Ánh dẫn đề.
Vì sao bỏ tiền sử dụng đất, chi phí lãi vay?
Cũng vì hiểu sai, theo TS Vũ Đình Ánh, chúng ta đang sai lầm trong cách hiểu về giá và định giá. Ví dụ, một mảnh đất là đất nông nghiệp có giá 300.000 đồng/m2, một ngày đẹp trời được chuyển thành đất ở thì giá lên 3 triệu/m2, thậm chí lên đến 300 triệu/m2 .Như vậy, chúng ta đang định giá theo giá trị sử dụng của mảnh đất đó chứ không phải là giá trị. Vì thế, ông Ánh cho rằng phải trả lại định giá đất theo đúng giá trị của nó chứ không phải giá trị sử dụng. "Tương tự, tại sao nghĩ ra chi phí này lại được mà chi phí kia lại không được? Về nguyên tắc, lợi nhuận hay thặng dư là tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí. Tiền sử dụng đất là khoản chi phí cực kỳ lớn của doanh nghiệp phát triển dự án mà lại bỏ ra là bỏ đi đâu? Hay trong định giá có phương pháp chi phí. Giá cả phải hình thành từ chi phí. Việc đưa quy định lợi nhuận định mức là không ổn về mặt kinh doanh. Bởi thực tế giá là vượt xa chi phí. Điển hình là hàng hiệu được bán giá rất cao. Người ta cũng có thể bán giá dưới chi phí, chấp nhận lỗ trong một thời gian...", ông Ánh nhấn mạnh.
Dẫn câu chuyện nhiều lãnh đạo cơ quan quản lý khuyến khích doanh nghiệp dùng vốn tự có, hạn chế đi vay rồi từ đó lại quy định loại phần lãi suất đi vay ra khỏi chi phí. "Nếu tôi là dân kinh doanh, nếu tôi có tiền đủ cho một dự án tôi sẽ làm việc khác nếu có lợi nhuận hơn. Tôi sẽ đi vay làm dự án khi chỉ có lợi nhuận ít hơn. Tiền của tôi phải làm ra lợi nhuận lớn hơn. Nếu ném tiền vào không được trừ chi phí thì sao? Trong kinh doanh, tôi sử dụng vốn của tôi một cách hiệu quả nhất. Đó là bài toán kinh doanh. Không thể ép doanh nghiệp phải sử dụng vốn tự có. Mà đi vay thì chi phí lãi vay phải tính vào chi phí của doanh nghiệp, tại sao lại bỏ?", TS Vũ Đình Ánh phát biểu.
Dự thảo nghị định cũng đang thiếu quy định về việc ai định giá? Ai chịu trách nhiệm? Cái này là then chốt. Định giá đất là việc của công ty định giá. Vấn đề của cơ quan quản lý là thiết lập cơ chế để các công ty định giá thực hiện, không dám làm sai nhưng cũng không dám làm vì sợ bị sai, bị chịu trách nhiệm... Trong định giá không chỉ dùng một phương pháp. Chúng ta có vô số phương pháp khác để định giá đất. Vấn đề là vênh bao nhiêu là chấp nhận được? Tại sao vênh như thế?
Như vậy, quan trọng là ra được cơ chế để chúng ta có xác định giá đất vì đây là vấn đề là kinh tế, tư duy trên góc độ kinh tế, lý luận về kinh tế, lý luận về đất đai và thực tiễn đất đai. TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: Nếu vẫn ban hành nghị định này thì không thực hiện được, đẩy thị trường vào tình trạng hỗn loạn. Quan trọng là lúc này cần lùi lại thời hạn duyệt nghị định để sửa có thể đến giữa tháng 7 chứ không phải vài ngày nữa, tránh sa đà vào chi tiết vì nó thuộc vào kỹ thuật. Vì không thể dự tính hết khoản chi phí nào sẽ phát sinh 5 năm sau? Cũng như không ai dự tính được lãi suất 5 năm sau sẽ bao nhiêu? Rất mong muốn thiết kế ra một cơ chế định giá và chịu trách nhiệm về định giá theo cơ chế này, không sa đà vào các phương pháp chi tiết. Định giá đất phải chuyên nghiệp, khách quan và trung thực. Điều đó sẽ tránh được nhiều vấn đề, hệ lụy có nghĩa về mặt kinh tế lẫn chính trị, xã hội.
Bình luận (0)